Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2018-11:09:00 AM
Tạo sự lưu thông thuận lợi cho dòng chảy đầu tư Việt Nam - Campuchia để hai bên cùng phát triển, cùng có lợi (Xem tin ảnh)
(MPI) - Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) tổ chức ngày 06/12/2018, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Hun Sen đến Việt Nam.

Đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ và tiềm năng của mỗi nước

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Diễn đàn là cơ hội để Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Hun Sen đưa ra thông điệp về định hướng, chính sách ưu tiên hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam và là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, thảo luận với các bộ, ngành và cơ quan của Campuchia để tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, tìm hiểu môi trường và tiếp cận chính sách đầu tư mới của Campuchia. Đồng thời, cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động đầu tư tại Campuchia kiến nghị các vướng mắc đến cơ quan Chính phủ hai nước.

Phát biểu khai mạc đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia, định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia trong việc đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ và tiềm năng của mỗi nước, thời gian qua, các bộ ngành hai bên đã tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch song phương và đến nay đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia và của các doanh nghiệp Campuchia sang Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan nhà nước của hai bên tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy đàm phán hướng tới ký kết Bản Thỏa thuận Thúc đẩy Thương mại song phương Việt Nam - Campuchia; Hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp, mỏ và năng lượng; các thỏa thuận hợp tác lâm nghiệp, ngư nghiệp. Tiếp tục thực hiện các nội dung biên bản thỏa thuận Kỳ họp thứ 16 Ủy ban Hỗn hợp Campuchia - Việt Nam về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; Triển khai “Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030”.

Đồng thời, mỗi nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo môi trường thu hút và thúc đẩy đầu tư. Hai bên cũng cần tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, điện, nước,… và có chính sách đặc biệt ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia năm 2018 ước đạt 5 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh hợp tác hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Với kim ngạch thương mại năm 2018 ước đạt 5 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến năm 2020 có thể đạt 7-8 tỷ USD.

Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực mở ra nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi hai nước phải hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về sự hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Cùng với đó, hai nước đều là thành viên của ASEAN, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có nhiều quy định thuận lợi mở cửa thị trường cho vốn, hàng hóa, lao động, dịch vụ. Đây là cơ sở nền tảng mà các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các thuận lợi này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đối tác Campuchia, thực hiện các hoạt động xã hội, quan tâm đến cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, PVN, EVN,Tập đoàn Cao su, BIDV... phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động đầu tư kinh doanh thành công tại Campuchia.

Thủ tướng Hoàng gia Hun Sen phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hoàng gia Hun Sen đánh giá cao các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã điều hành nền kinh tế chuyên nghiệp, giúp kiểm soát tốt lạm phát. Điều này có tác động tích cực đối với nền kinh tế Campuchia.

Giới thiệu một số tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Campuchia, Thủ tướng Hoàng gia Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2018, về đầu tư, Việt Nam đã có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài là 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp,… Về phía Campuchia, tính đến nay Campuchia có 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,67 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi,…

Về thương mại, kim ngạch thương mại giữa hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt 3,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng 10 tháng đầu năm 2018 đạt 3,87 tỷ USD, tăng 23,64 % so với cùng kỳ năm 2017. Với đà tăng trưởng tích cực này, nhiều khả năng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 sẽ vượt mức 4 tỷ USD, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD vào năm 2020.

Về du lịch, hợp tác giữa hai nước đang có sự phát triển nhất định. Tổng lượt khách du lịch giữa hai nước có xu thế tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ tiềm năng và chính sách thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch của Chính phủ hai nước.

Để đạt được những kết quả nêu trên, phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực trong việc xây dựng khung pháp lý cần thiết để khuyến khích các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước thông qua việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương. Đồng thời, chính quyền hai nước cũng có nhiều hoạt động trao đổi thông tin, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xúc tiến và hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại mỗi bên. Ngoài ra, các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước cũng như các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại thị trường Campuchia./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 16945
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)