(MPI) – Ngày 7/12/2018, tại Thủ đô Seoul - Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hàn Quốc.
Việt Nam đánh giá cao Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc là hai dân tộc kiên cường, xuất phát từ nền văn minh lúa nước, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, hai nước có nhiều điểm tương đồng trong suốt hơn 4 nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như những nét gần gũi về văn hóa, phong tục tập quán. Hàn Quốc với “Kỳ tích sông Hàn” đã trở thành một trong số những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam được coi là hình mẫu thành công trong quá trình đổi mới, mở cửa phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 30 năm đổi mới, liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năm 2018 quy mô GDP đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 470 tỷ USD và dân số tiệm cận mức 100 triệu người với cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ. Đến 2030 có khoảng 50% dân số Việt Nam dự kiến gia nhập nhóm tầng lớp trung lưu, vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế.
Cùng với đó, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế hấp dẫn... Việt Nam đang chuyển mình thành cứ điểm sản xuất chiến lược của các Tập đoàn quốc tế trong khu vực. Việt Nam đã thu hút 338 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký từ 129 đối tác, trong đó có trên 180 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối. Doanh nghiệp FDI là bộ phận cấu thành quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế đến năm 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, quy mô GDP đạt 320 - 350 tỷ USD, quy mô thương mại 600 tỷ USD. Nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ổn định và tăng trưởng xanh. Tiếp tục tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi tắt đón đầu, phát huy lợi thế của người đi sau. Phát triển khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện bảo hộ theo luật pháp các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới. Khơi dậy mọi tiềm năng, kết hợp hài hòa sự năng động của khu vực tư nhân với tiềm lực của khu vực FDI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với hơn 62 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam như công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, may mặc, xây dựng... Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, ổn định cán cân thương mại, thúc đẩy an sinh - xã hội... Doanh nghiệp Hàn Quốc chính là nhà Ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất, hiệu quả trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với mục tiêu thúc đẩy thịnh vượng chung, con người và hòa bình, trong đó xác định Việt Nam là một trong những đối tác trọng tâm của chính sách này. Việt Nam khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị, phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước. Đặc biệt trong trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp- chế biến thực phẩm,công nghệ thông tin, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án Start-up...
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mở rộng hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ song phương
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, với quy mô hơn 300 đại biểu hai bên đã thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc về một tương lai rộng mở, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Tại Diễn đàn, Việt Nam đã chia sẻ về tầm nhìn và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đặc biệt nhấn mạnh đến những lĩnh vực có rất nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước mà Hàn Quốc có thể mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như M&A doanh nghiệp nhà nước, năng lượng tái tạo, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, nâng cao liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu... Diễn đàn sẽ góp phần chuyển tải những cơ hội còn ở dạng tiềm năng thành những dự án hợp tác hiệu quả trong tương lai, tận dụng hiệu quả các cơ hội của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, của chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Việt Nam luôn mở rộng cánh cửa, chào đón và sẵn sàng cùng chia sẻ những cơ hội hợp tác với Hàn Quốc trong các lĩnh vực về đầu tư, thương mại... Đây sẽ là con đường hợp tác hai chiều, có tính tương tác cao, công bằng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Diễn đàn đã diễn ra thành công, thực chất với sự tham dự và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hi Sang cùng hơn 350 đại biểu, doanh nghiệp hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm và ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tầm nhìn, định hướng hợp tác kinh tế giữa hai nước, cũng như phần nội dung trao đổi thắng thắn, cụ thể của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Bộ Công Thương tại phiên trao đổi chính sách về những lĩnh vực có rất nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước mà Hàn Quốc có thể mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác...
Phiên kết nối doanh nghiệp trước Diễn đàn đã diễn ra sôi động, thực chất với sự tham dự của khoảng 200 Tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc và 50 doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên đã có sự kết nối, trao đổi về cơ hội hợp tác trong 5 nhóm lĩnh vực: thương mại - dịch vụ; nông nghiệp - chế biến thực phẩm; công nghiệp chế tạo; xây dựng, hạ tầng; tài chính. Sự thành công của Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, mà còn bao gồm các lĩnh vực thương mại, hợp tác kỹ thuật, giáo dục, du lịch, giao lưu Nhân dân... giữa hai nước góp phần nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư