Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/12/2018-10:05:00 AM
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 21/12/2018, tại Vĩnh Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian tới. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì với sự tham gia của gần 500 đại biểu, gồm: Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp các địa phương, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả ĐTNN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến về định hướng thu hút và sử dụng ĐTNN trong thời gian tới, xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới tác động đến Việt Nam. Đồng thời, lắng nghe khuyến nghị của các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài từ đó chọn lọc những ý kiến xác đáng để tổng hợp, tham mưu nhằm hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Trải qua 30 năm, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án ĐTNN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký. ĐTNN đã có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

ĐTNN là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây. Doanh nghiệp ĐTNN đã thực hiện chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong một số ngành, điển hình là dầu khí, viễn thông và bước đầu đã có sự liên kết và thúc đẩy tăng trưởng năng suất thông qua việc sử dụng bán thành phẩm, sản phẩm trung gian, nguyên phụ liệu của doanh nghiệp trong nước.

Khu vực ĐTNN cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước. Thông qua hợp tác ĐTNN, quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác ngày càng phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp, nhiều dự án ĐTNN tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Chuyển giao công nghệ thông qua ĐTNN chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án ĐTNN ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, có thể rút ra bài học kinh nghiệm làm nền tảng trong Đề án đã đề ra 04 mục tiêu, định hướng thu hút và sử dụng ĐTNN cho giai đoạn mới. Một là, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng. Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế là tiền đề quan trọng để thu hút ĐTNN trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.

Ba là, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN. Bốn là, phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực ĐTNN, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của ĐTNN đối với nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các chủ trương, chính sách về ĐTNN; Hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả ĐTNN; Vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút ĐTNN; Khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút ĐTNN; Thu hút và sử dụng ĐTNN gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; Điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng ĐTNN liên quan đến các cam kết quốc tế; Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN.

Doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội

Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc,Hoàng Thị Thúy Lanphát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, qua tổng kết 30 năm thu hút vốn FDI, có thể khẳng định sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp FDI với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Song qua thực tiễn, chúng tôi cũng đồng thuận với đánh giá của nhiều cơ quan, chuyên gia kinh tế về những bất cập, hạn chế trong thu hút, đầu tư trong giai đoạn qua, như hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với nguồn lực, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như mong muốn, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, nhiều dự án chất lượng thấp, còn gây ô nhiễm môi trường và thiếu tính liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, để phát huy hiệu quả sử dụng vốn FDI đáp ứng được mục tiêu phát triển đất nước của các địa phương trong giai đoạn tới cần phải có những chuyển hướng về chiến lược và chính sách nhằm thu hút FDI có chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý đầu tư nước ngoài trong điều kiện mới, khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI mang lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tiếp cận được với chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, với tinh thần chủ động, tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo, đề ra các chủ trương, chính sách toàn diện trên mọi lĩnh vực, khai thác các lợi thế của tỉnh cho việc phát triển nhanh và bền vững. Vĩnh phúc đã thực hiện mạnh mẽ nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với phương châm “tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là con dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển và đối tượng để phục vụ.”

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn là một trong các địa phương thuộc Top đầu của cả nước về thu hút đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 1031 dự án, trong đó có 320 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ USD, đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Piazzo,… và 711 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 90.160 tỷ. Phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là nguồn thu cho ngân sách và tổ chức việc làm cho Nhân dân.

Hội nghị sẽ được nghe các bài tham luận của đại diện một số địa phương, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị sẽ được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về định hướng hợp tác đầu tư với nước ngoài trong thời gian tới./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 8275
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)