(MPI) – Ngày 20/02/2019, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì họp báo.
|
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và Kế hoạch triển khai thực hiện, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với 3 mục tiêu chính: Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế. Góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.
Đề án được triển khai, thực hiện từ năm 2019, năm 2020 bắt đầu đo lường chính thức, hằng năm sẽ cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội liên quan.
Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011 - 2020 và các phân tích, đánh giá khác về tình hình kinh tế-xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng và năm), phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân.
Đồng thời, GDP cũng phản ánh quy mô và tiềm lực kinh tế của một quốc gia và là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng như: Tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách Nhà nước, tỷ lệ nợ công và nhiều chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, trong thực tiễn cho tới nay, chưa nền kinh tế nào đo lường được đầy đủ kết quả của tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ phận các hoạt động kinh tế không thu thập được dữ liệu cơ bản phục vụ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP được các nhà kinh tế gọi là Khu vực kinh tế chưa được quan sát, viết tắt là NOE (Non Observed Economic Activities).
Theo nghiên cứu của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong nền kinh tế luôn tồn tại 2 khu vực đó là: Khu vực kinh tế đã được quan sát và khu vực kinh tế chưa được quan sát. Các cơ quan trên cũng xác định phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 nhóm hoạt động: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Từ thực tế đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu để đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, cụ thể: Cơ quan Thống kê châu Âu đã thực hiện hai vòng về khảo sát các hoạt động chưa được quan sát nhằm chuẩn hóa khái niệm và thống nhất phương pháp tính toán các hoạt động kinh tế chưa được quan sát vào hệ thống tài khoản quốc gia của các quốc gia ứng viên Liên minh châu Âu.
Hội đồng Kinh tế châu Âu cũng tiến hành 3 cuộc Khảo sát việc đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong đó: Cuộc Khảo sát đầu tiên thực hiện năm 1991 tại 9 nước, cuộc Khảo sát lần thứ hai thực hiện năm 2001-2002 tại 29 nước, chủ yếu là các nước thành viên Hội đồng Kinh tế châu Âu. Đặc biệt, cuộc Khảo sát lần thứ ba tiến hành năm 2005 - 2006 được thực hiện tại 45 nước với 3 mục tiêu là tổng hợp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát đã được đo lường. Đúc kết phương pháp đo lường và tiếp tục cập nhật tài liệu “Tóm tắt” xuất bản năm 1993 để các nước tham khảo, vận dụng. Các nước tham gia cuộc khảo sát thứ ba này được yêu cầu cung cấp các ước tính quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát và phương pháp ước tính.
Do vậy, qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ khu vực kinh tế chưa được quan sát so với tổng sản phẩm trong nước chênh lệch khá lớn giữa các nước cũng như giữa các thời kỳ khác nhau của một nước. Sở dĩ có tình trạng này là do cấu trúc nền kinh tế, hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý, nhận thức và ý thức của các chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh có sự khác biệt nhất định. Đồng thời, phương pháp tiếp cận đo lường không hoàn toàn giống nhau và năng lực, trình độ, hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thống kê mỗi nước, mỗi thời kỳ cũng khác nhau.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, ở Việt Nam cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Những năm vừa qua, ngành Thống kê đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thu thập thông tin thống kê, nhất là thông tin đầu vào, góp phần giảm thiểu phạm vi và quy mô của khu vực kinh tế này. Trong đó, phương pháp thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế phi chính thức và hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình đã được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện nên về cơ bản các hoạt động này đã được quan sát.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa nhận diện được một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế-xã hội liên quan của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Để phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Việc triển khai, thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là căn cứ quan trọng giúp ngành Thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác xây dựng Chiến lược, Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư