(MPI) – Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong tháng 3 năm 2019. Theo đó, ngày 04/3/2019, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về Đề án này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành, các nhà tư vấn quốc tế.
NIC được thành lập sẽ là nơi gắn kết các cơ sở khoa học, thực nghiệm và triển khai ý tưởng vào thực tế để thúc đẩy việc phát triển kinh tế. Đây cũng là giải pháp thực hiện chiến lược tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Làm rõ một số vấn đề của Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn của Việt Nam, đảm bảo bước phát triển đột phá, làm thay đổi nền kinh tế. Phương châm tiếp cận cuộc cách mạng này là đuổi kịp, đi cùng và vượt lên. Khoa học sẽ là nền tảng, động lực đột phá trong kinh tế.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. ảnh: MPI |
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ triển khai ba nội dung cụ thể liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), gồm: Xây dựng Chiến lược phát triển quốc gia về CMCN 4.0; Xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia”; Xây dựng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm thu hút nhân lực thực hiện Chiến lược phát triển quốc gia về CMCN 4.0. Chúng ta đã xác định con đường đi rõ ràng, tận dụng tất cả các cơ hội dù là nhỏ nhất từ cuộc cách mạng này. Theo đó, việc hình thành ngay hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án, đồng thời mời Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc ARUP tham gia hỗ trợ xây dựng Đề án. Nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ.
Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, đồng thời nghiên cứu toàn bộ hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và rút ra các bài học kinh nghiệm, dự thảo Đề án đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, Đề án đã được xây dựng tương đối công phu, bài bản, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao.
Đề án xây dựng NIC là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược CMCN 4.0. Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi nền kinh tế bởi nó không chỉ hình thành đổi mới về hạ tầng mà còn đổi mới về thể chế vượt trội, bảo đảm sự thành công của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, việc hình thành NIC với các thể chế, chính sách vượt trội sẽ góp phần vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, là một nước phát triển theo khát vọng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045..
Theo dự kiến, Trung tâm này được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là nơi ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và nghiên cứu, phát triển công nghệ trên nền tảng các công nghệ lõi. Đây cũng là nơi hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cấp quốc gia, là đầu mối dẫn dắt, kết nối và hỗ trợ các cơ sở đổi mới sáng tạo khác trong cả nước. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia còn là phòng thí nghiệm về chính sách cũng như mô hình kết hợp giữa sự dẫn dắt của Nhà nước, cơ chế thị trường và sự tham gia của cả mạng lưới đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài của Việt Nam trên khắp thế giới và các tập đoàn công nghệ lớn.
|
Đại diện Công ty tư vấn BCG phát biểu. Ảnh: MPI |
Trình bày đề xuất xây dựng NIC, đại diện đơn vị tư vấn cho rằng, CMCN 4.0 mang đến cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để tạo bước nhảy vọt lên cấp độ phát triển kinh tế thông qua năng lực đổi mới sáng tạo tốt hơn, việc làm chất lượng hơn và năng suất cao hơn để mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam. Đây cũng là công cụ chính để thực thi Chiến lược CMCN 4.0 nhằm chuyển đổi cơ bản nền kinh tế Việt Nam, trở thành quốc gia có nền kinh tế nghìn tỷ USD. Việc xây dựng NIC phù hợp với tầm nhìn của Việt Nam về CMCN 4.0 khi chúng ta nắm bắt các cơ hội về phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, đem lại lợi ích và phúc lợi cho quốc gia.
NIC không chỉ là tòa nhà vật lý mà còn phải tạo ra không gian để các nhân tài cảm thấy tự hào khi được sống, làm việc tại Việt Nam, là biểu tượng mang tầm quốc tế để thu hút các tài năng. Đây không phải chỉ là nơi cung cấp, hỗ trợ các cơ chế về mặt tài chính, cũng không đơn thuần là vấn đề quản lý, cơ sở hạ tầng hay là vấn đề nhân tài, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ mà câu chuyện ở đây là sự hài hòa tất cả các yếu tố này để tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Theo đó, Việt Nam cần có mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia mang tầm cỡ thế giới để dẫn dắt cuộc chuyển đổi của nền kinh tế thông qua việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn thiện, có quy mô để tạo điều kiện cho chuyển giao, phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời, thí điểm thể chế, môi trường kinh doanh cạnh tranh và tạo điều kiện để hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo.
NIC Hòa Lạc sẽ là Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đầu tiên, tạo dựng một môi trường kinh doanh ưu việt, thu hút các công ty công nghệ trong nước và quốc tế thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên được chú trọng phát triển, gồm: nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường. Đồng thời, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, thí điểm các quy định nhằm tạo ra những điều kiện có thể áp dụng, nhân rộng ở các trung tâm đổi mới sáng tạo khác trên khắp cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tư vấn đã đưa ra ý tưởng xây dựng NIC. Đồng thời bày tỏ đồng tình với ý kiến của các bộ, chuyên gia và cho rằng đây là trung tâm mang tính thí điểm và nếu thành công có thể nhân rộng ra thành nhiều trung tâm khác.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết, ý nghĩa mở đầu, mang tính dẫn dắt của việc hình thành Trung tâm này, một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai CMCN 4.0 ở Việt Nam. Đây là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, có sự khác biệt bằng việc áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tính cấp thiết và khả thi của Trung tâm để nhanh chóng triển khai và có cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Trung tâm phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp. Đây phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội và cần tạo thể chế thuận lợi, thu hút nhân tài về làm việc.
Để nhanh chóng triển khai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư vấn hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cần có lộ trình cụ thể, chặt chẽ, hoàn thiện Đề án để sớm phê duyệt. “Cần có một cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi để Trung tâm vận hành thực sự năng động, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Từ đó, tính toán cơ cấu vốn đầu tư phù hợp để phát huy hiệu quả tốt nhất. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ NIC, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đề án xây dựng NIC được tiếp cận theo hướng, làm thế nào để Trung tâm này gắn được với việc thay đổi mô hình kinh tế và mô hình tăng trưởng, thể hiện được tư duy, tầm nhìn. Đây là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, không phải là trung tâm duy nhất. Sau này, mô hình này sẽ được hình thành ở các vùng kinh tế, các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp khác nhau theo từng ngành, chức năng cụ thể và sẽ được kết nối vào Trung tâm này để được hỗ trợ, được hưởng lợi và bổ sung cho cho nhau.
Việc xây dựng NIC được xác định không dùng ngân sách nhà nước mà huy động từ khu vực tư nhân thông qua việc huy động nguồn lực từ các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đóng góp của các bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm hoàn thiện Đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây sẽ là mô hình thử nghiệm về thể chế và các mô hình kinh doanh mới và sẽ được nhân rộng cho các nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư