Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/03/2019-00:35:00 AM
Cơ hội đột phá nhìn từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế
(MPI) – Phát biểu tại Hội thảo kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/3/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chủ động và tích cực của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới, mở cửa đã có nhiều kết quả quan trọng, thiết lập được vị thế đặc biệt của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của hầu hết các định chế tài chính quốc tế lớn như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ký kết trên 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trên 60 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập, trên 90 hiệp định thương mại song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ.

Trong khu vực, Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN, ngày càng giữ tầm ảnh hưởng quan trọng trong các vấn đề chính trị lớn của khu vực. Việt Nam và các nước ASEAN tham gia các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,… với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 quốc gia, điều chỉnh thương mại, dịch vụ và đầu tư trong một thị trường chiếm khoảng 50% dân số và 30% GDP toàn cầu.

Việt Nam luôn chủ động tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (vừa kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý-EVFTA)... Việc tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới đã từng bước đặt Việt Nam vào “lộ trình” phát triển trên cơ sở hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật ngày càng toàn diện, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, mở ra cơ hội kinh doanh lớn hơn với thị trường và khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm 59% dân số thế giới, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, khi vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên bản đồ địa chính trị và kinh tế thế giới, Việt Nam càng phải chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức và đòi hỏi tất yếu từ những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ hội và thách thức từ các FTA thế hệ mới mang lại là đan xen. Bên cạnh việc mở rộng thị trường và không gian phát triển là đòi hỏi phải nâng cao năng lực thực thi và đổi mới thể chế. Khi tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu thì song song với nó là sự gia tăng về cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu giúp hàng hóa Việt Nam dễ thâm nhập hơn sang các quốc gia khác nhưng ở chiều ngược lại hàng hóa từ các quốc gia cũng dễ dàng vào Việt Nam hơn…

Các FTA thế hệ mới đưa ra cách tiếp cận nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ giữa các quốc gia, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới về đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa,… Những yêu cầu này sẽ tác động trực diện và sâu rộng đến kinh tế đất nước, các địa phương và doanh nghiệp, gia tăng sức ép cạnh tranh gay gắt hơn, đòi hỏi Việt Nam hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới quản lý đầu tư công…

Năm 2019, Việt Nam được lựa chọn và đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, điều này thể hiện rõ vai trò và vị thế mới của Việt Nam trong việc trở thành đối tác kinh tế, chính trị tin cậy của các quốc gia, khẳng định sự ổn định về kinh tế - chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với những thuận lợi về kinh tế, vị thế chính trị, Việt Nam có thể coi là một điểm đầu tư, thương mại hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định phát triển doanh nghiệp, bảo đảm quyền công bằng, tự do kinh doanh và tài sản nhà đầu tư là nội dung quan trọng cần quan tâm hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện một loạt các nội dung liên quan như hoàn thiện thể chế cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…nhằm đẩy nhanh khả năng tận dụng cơ hội đột phá phát triển kinh tế đất nước từ các Hiệp định FTA, đồng thời tiếp tục duy trì và khẳng định vai trò, vị thế của đất nước.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội to lớn do hội nhập kinh tế mang lại và tất cả mọi chủ thể trong hệ thống cần có kế hoạch hành động cụ thể và quyết liệt trong triển khai để biến thành cơ hội bứt phá của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đang thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động tham gia nền kinh tế thế giới với vị thế ngày càng được khẳng định.

Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 tập trung thảo luận về những điều kiện căn bản thúc đẩy sự bứt phá của kinh tế Việt Nam năm 2019 và những năm tiếp theo. Đồng thời, thảo luận, đánh giá những quyết sách kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và tập trung phân tích bước tiến dài của Việt Nam trên hành trình hội nhập, đặc biệt vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững. Hội thảo diễn ra các phiên thảo luận về thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng; sức bật 2019 nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân…/.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2853
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)