(MPI) - Ngày 13/3/2019, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 14 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Xinh-ga-po đã được tổ chức tại Xinh-ga-po dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Xinh-ga-po Chan Chung Sing. Tham dự Hội nghị, có đại diện của các Bộ, ngành của Việt Nam và Xinh-ga-po liên quan tới các hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ 06 nội dung kết nối của Hiệp định Kết nối Kinh tế Việt Nam - Xinh-ga-po.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Hiệp định Kết nối Kinh tế Việt Nam - Xinh-ga-po được ký kết giữa hai Chính phủ vào năm 2005 là Chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 06 nội dung cụ thể, bao gồm: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ. Bên cạnh 06 nội dung trên, hai bên còn trao đổi các biện pháp nhằm mở rộng phạm vi hợp tác phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi quốc gia.
Tại Hội nghị, hai bên đã thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được thuộc 06 lĩnh vực hợp tác kể từ Hội nghị lần thứ 13 tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 10/2017 đến nay, đồng thời trao đổi, đề xuất về các nội dung hợp tác tiềm năng mới như Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kết nối các thành phố thông minh.
Thông qua các hoạt động cụ thể thuộc Hiệp định Kết nối, Việt Nam đã khẳng định các quan điểm và mối quan tâm trong hợp tác kinh tế với Xinh-ga-po nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Đồng thời, đề nghị phía Xinh-ga-po nỗ lực phối hợp triển khai, thực hiện các sáng kiến mới trong khuôn khổ Hiệp định kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp Xinh-ga-po đưa ra các đề xuất hợp tác mới và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Xinh-ga-po có 2.169 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 47,9 tỷ USD, đứng thứ 03/130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Xinh-ga-po đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với 574 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20,17 tỷ USD chiếm 40% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư Xinh-ga-po đầu tư chủ yếu theo hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và liên doanh. 77% số dự án của nhà đầu tư Xinh-ga-po theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.667 dự án với số vốn đăng ký đạt 34,68 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là hình thức liên doanh có 488 dự án với tổng vốn đăng ký là 12,8 tỷ USD, 27% tổng vốn đầu tư, còn lại là hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh khoảng 01% tổng vốn đầu tư.
Không kể lĩnh vực dầu khí, đến nay Xinh-ga-po đã đầu tư vào 48/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 1.130 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 10,7 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 349 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6 tỷ USD.
Về đầu tư của Việt Nam sang Xinh-ga-po, Việt Nam hiện có 88 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư phía Việt Nam đạt 244 triệu USD, đứng thứ 12/71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, dịch vụ, công nghệ thông tin và logistics./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư