(MPI) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong vài năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã tạo ra cuộc “cách mạng”, dẫn đến những chuyển đổi căn bản từ cách thức làm việc, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực… Để nhanh chóng nắm bắt cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ bài học thành công quốc tế và đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 05/4/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty Ibosses Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Hội thảo “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển”.
|
Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thủy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: (MPI) |
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, quỹ đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp...
Hội thảo nhằm tạo cơ hội làm rõ thách thức của DNNVV khi khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên của Chính phủ cho phát triển DNNVV sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo (Startup) quan điểm, mục tiêu đầu tư và đáp ứng nhu cầu vốn vay của các quỹ đầu tư, ngân hàng. Đồng thời chia sẻ cơ hội, bài học thành công và các giải pháp để DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Startup có thể vận dụng, kêu gọi vốn đầu tư, tăng trưởng thành công.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thủy cho rằng, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, tạo cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Trong bối cảnh đó, DNNVV Startup đang đóng vai trò quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghiệp tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiếp thu những bài học thành công của các quốc gia trên thế giới, như Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia... được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Đây được xem là hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
NIC sẽ ưu tiên 5 lĩnh vực: Nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường. Những lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Việc chuyển hướng kinh tế mang hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn và xã hội hóa sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên liên quan, các bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục...
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: (MPI) |
Chia sẻ về những khó khăn mà DNNVV Việt Nam đang phải đối mặt, ông Sharath Martin, Chuyên gia Tư vấn về Chính sách của ACCA cho rằng, vấn đề nhân sự, thuế và nguồn vốn chính là những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng của DNNVV. Để mở rộng quy mô cho DNNVV tại Việt Nam, theo ông Sharath Martin, DNNVV cần phải xây dựng văn hóa tăng trưởng, thiết lập một khung quản trị để giúp xây dựng khả năng phát triển bền vững và phục hồi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển đội ngũ quản lý song song cùng với sự phát triển kinh doanh, tích hợp tài chính vào chiến lược tăng trưởng, áp dụng công nghệ mới và sử dụng đúng dữ liệu. Đồng thời, DNNVV cần tận dụng các tư vấn bên ngoài để phát triển những gì doanh nghiệp có và xây dựng một mạng lưới nguồn vốn bên ngoài.
Về cơ chế hoạt động của Hệ sinh thái khởi nghiệp, Chủ tịch Ibosses Việt Nam Tăng Ngọc Trường An cho rằng, đối với các DNNVV việc thu hút vốn đầu tư thông qua các dự án từ vốn nhà nước đồng nghĩa với việc Nhà nước cần phải hỗ trợ không những về chính sách mà các thủ tục về doanh nghiệp kéo dài nhiều năm. “Ibosses Việt Nam kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ mang lại cho DNNVV Việt Nam đi trên con đường hội nhập quốc tế, theo chuẩn mực quốc tế” ông Tăng Ngọc Trường An nhấn mạnh.
Tại Hội thảo đã diễn ra các phiên thảo luận về vai trò của các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, thể chế tài chính và tổ chức đào tạo, bài học thành công tại Việt Nam do các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã thành công chia sẻ…. Các đại biểu đã chứng kiến Lễ Ký thỏa thuận thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư