Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/03/2019-16:10:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An tháng 02 năm 2019

1. Sản xuất nông nghiệp

Tháng 02/2019, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung thu hoạch các cây trồng vụ Đông, đồng thời sản xuất vụ xuân 2019 nhằm đảm bảo đúng tiến độ của lịch thời vụ.

a. Trồng trọt:

Sản xuất vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm nay toàn tỉnh đạt 38.089 ha, tăng 2,46% (+915 ha) so với cùng kỳ năm trước.Vụ Đông được sản xuất trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ít mưa to và không rét nên năng suất, sản lượng một số cây trồng chính đạt khá. Cụ thể như sau:

Cây ngô: Diện tích gieo trồng đạt 18.767 ha, tăng 0,84% (+156 ha) so với vụ đông năm trước; năng suất ngô đông sơ bộ đạt 44,98 tạ/ha, tăng 1,79 tạ/ha. Do tăng cả diện tích và năng suất nên sản lượng sơ bộ đạt 84.421 tấn, tăng 5,03% (+4.040 tấn). Công ty TH giảm nhu cầu thu mua ngô thức ăn gia súc, nên một số địa phương đã chuyển sang trồng ngô hạt như huyện Diễn Châu 200 ha, Nghĩa Đàn 350 ha,…

Khoai lang: Diện tích gieo trồng đạt 1.712 ha, giảm 7,96% (-148 ha) so với cùng vụ năm ngoái. Diện tích khoai lang giảm do không mang lại giá trị kinh tế cao, chủ yếu là phục vụ cho chăn nuôi nhưng bà con nông dân chủ động chuyển sang trồng rau màu hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các loại giống đem vào trồng vẫn là các giống mới vừa tăng năng suất, vừa tăng chất lượng như K4, Nhật đỏ, Nhật vàng… nên năng suất sơ bộ đạt 63,76 tạ/ha; sản lượng sơ bộ đạt 10.916 tấn, giảm 4,91% (-563 tấn) so với vụ đông năm ngoái.

Lạc: Diện tích lạc vụ đông gieo trỉa đạt 1.360 ha, tăng 7,33% (+93 ha) so với vụ Đông năm 2018. Lạc vụ đông năm nay chủ yếu được trồng trên diện tích đất không gieo trồng vụ thu mùa, phần lớn được sử dụng giống lạc L14, L23, L26, TB25, năng suất sơ bộ đạt 22,2 tạ/ha, sản lượng sơ bộ đạt 3.019 tấn, tăng 18,97% (+481 tấn) so với vụ đông năm ngoái.

Cây rau, đậu, hoa cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 12.504 ha, tăng 3,82% (+460 ha), trong đó rau các loại 12.264 ha, tăng 3,62% (+428 ha) so với vụ đông năm 2018, bà con nông dân tập trung gieo trồng phần lớn là các loại rau theo nhu cầu thị trường, chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế mở rộng diện tích rau an toàn, xây dựng thương hiệu các vùng rau an toàn . Sơ bộ năng suất đạt 140,71 tạ/ha; sản lượng ước đạt 172.568 tấn, tăng 3,93% (+6.529 tấn).

Cây gia vị, dược liệu hàng năm: diện tích đạt 436 ha, bằng 98,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây gia vị 395 ha, cây dược liệu 41 ha.

Cây hàng năm khác: diện tích đạt 2.761 ha, chỉ bằng 93,81% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân cây hàng năm khác giảm chủ yếu do cây ngô làm thức ăn gia súc giảm vì Công ty TH ngừng thu mua và bà con chuyển sang trồng ngô hạt.

Sản xuất vụ xuân: Thời tiết thuận lợi cho sản xuất vụ Xuân khi nhiệt độ đang ở mức (150 -250), thời tiết ấm, ít mưa. Tuy nhiên, với tư tưởng chủ quan dựa vào kinh nghiệm tập quán của người dân làm ảnh hưởng đến việc đưa các tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh vào sản xuất, tư tưởng tự cung tự cấp ở một số vùng còn gây khó khăn trong việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đứng ở mức cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất của bà con nông dân ở vụ xuân. Được sự chỉ đạo sát sao đến nay (10/2) toàn tỉnh gieo trồng 88.222/90.000 ha lúa vụ Xuân (lúa lai 40.068 ha, lúa thuần 39.909 ha, trong đó lúa chất lượng cao 30.000 ha); cây ngô gieo trồng 8.817/17.000 ha (ngô lấy hạt 6.564 ha, ngô thức ăn gia súc 2.253 ha); rau, đậu, hoa cây cảnh 9.102/11.800 ha; lạc 8.509/12.000 ha; sắn 4.912/7.300 ha; mía trồng 6.987/25.000 ha;...

b. Chăn nuôi:

Tổng đàn trâu, bò tháng 02/2019 ước đạt 751,49 nghìn con, tăng 1,98% (+14.570 con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn trâu ước đạt 271.840 con, bằng 99,18% (-2.260 con); đàn bò ước đạt 479.650 con, tăng 3,64% (+ 16.830 con), trong đó bò sữa 63.130 con (-1.290 con); Tổng đàn lợn ước đạt 935.780 con, tăng 3,71% (+33.432 con); Tổng đàn gia cầm ước đạt 25.021 nghìn con, tăng 6,95% (+1.625 nghìn con), trong đó đàn gà 20.915 nghìn con, tăng 8,65% (+1.665 nghìn con).

So với cùng kỳ năm trước tổng đàn trâu giảm do chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng mở rộng thay cho sức kéo của đàn trâu; tổng đàn bò tăng (thịt bò trở thành thực phẩm ưa chuộng trong đời sống của người dân, hiệu quả kinh tế cao); Tổng đàn lợn tăng do giá thịt lợn hơi tăng lên và đứng ở mức cao (46-50 nghìn đồng/kg), người chăn nuôi có lãi nên đầu tư mở rộng đàn; tổng đàn gia cầm tăng (do nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm ngày càng cao, điều kiện chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình), các hộ gia đình đang cố gắng ổn định và phát triển đàn để phục vụ kịp thời cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, bò sữa trên địa bàn giảm do Công ty TH Nghĩa Đàn chuyển một số lượng bò sữa về trang trại chăn nuôi của TH Lâm Đồng.

2. Sản xuất lâm nghiệp

Tháng 02 thời tiết thuận lợi cho công tác trồng rừng, là tháng đầu Xuân Kỳ Hợi toàn dân hưởng ứng phong trào Tết trồng cây do Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát động toàn tỉnh đã trồng được 268 nghìn cây xanh các loại. Diện tích trồng rừng tập trung 2 tháng ước đạt 978 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lâm sản khai thác 2 tháng có tăng so với cùng kỳ năm trước như: Gỗ khai thác 24.248 m3, tăng 2,94%; Củi 203 nghìn ste, tăng 0,35%; Nứa hàng, giang, lá dong, măng, mộc nhĩ,… đều tăng và cung cấp đủ phục vụ nhu cầu dịp tết cổ truyền Kỷ Hợi.

Trong 2 tháng đã phát hiện và bắt giữ 115 vụ vi phạm lâm luật, trong đó: phá rừng 8 vụ; vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã 7 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 54 vụ; vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác 8 vụ;…Các ngành chức năng đã tịch thu 187 m3 gỗ các loại, động vật hoang dã trọng lượng 193 kg, thu nạp ngân sách 560 triệu đồng.

3. Sản xuất thủy sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong 2 tháng (không sử dụng bể, bồn) ước đạt 15.849 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là diện tích nuôi cá ao, hồ đập thủy lợi, hiện nay bà con ngư dân các huyện ven biển đang nạo vét, cải tạo, xử lý diện tích ao, đầm tôm để chuẩn bị cho đợt thả tôm đợt 1 năm 2019.

Tháng 2 là tháng Tết nguyên đán Kỷ Hợi nên nhu cầu tiêu dùng thủy sản tương đối lớn do đó sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng 2/2019 ước đạt 10.986 tấn, tăng 6,13% (+635 tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.347 tấn, tăng 4,77%, sản lượng khai thác 6.639 tấn, tăng 7,05%. Tính chung 2 tháng đầu năm sản lượng thủy sản ước đạt 23.878 tấn, tăng 7,22% (+1.608 tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 8.212 tấn, tăng 5,11% (+399 tấn) và sản lượng khai thác ước đạt 15.666 tấn, tăng 8,36% (+1.209 tấn).

Ngoài ra trong 2 tháng đầu năm ngành thủy sản đã tập trung chỉ đạo các đơn vị sản xuất giống chuẩn bị đủ giống (126 triệu con) đảm bảo chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu nuôi thả của nhân dân, nhất là giống tôm, giống cá rô phi đơn tính và giống cá truyền thống trước hết là nhu cầu nuôi thả trong tháng 2.

4. Sản xuất công nghiệp

Thành công của ngành công nghiệp Nghệ An trong năm 2018 đã tạo tiền đề cho năm 2019, tuy nhiên trên nền tảng ngành công nghiệp có quy mô lớn, không có nhiều sản phẩm mới, dự báo ngành công nghiệp 2019 sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2019 tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 8,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,23%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,35%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,44%.

Nguyên nhân ngành khai khoáng giảm do tài nguyên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt, thuê đất mỏ, thuế tài nguyên tăng, khai thác gặp nhiều khó khăn.

Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa chua 2.104,7 tấn, tăng 32,5%; đường kính 24,4 nghìn tấn, tăng 11,11%; thức ăn gia súc 9.249,6 tấn, tăng 33,41%; bia đóng chai 3,0 triệu lít, tăng 32,73%; bia lon 5,55 triệu lít, tăng 24,51%; áo sơ mi dệt kim 235,6 nghìn cái, tăng 12,51%; quần áo không dệt kim 441,3 nghìn cái, tăng 17,65%; bao bì 3.622,3 nghìn chiếc, tăng 63,01%; ống nhựa tiền phong 600 tấn, tăng 27,93%; Clanhke xi măng 540 nghìn tấn, tăng 26,32%; xi măng 337 nghìn tấn, tăng 32,03%; thép cán nóng 669,7 tấn, tăng 63,94%; Ống thép Hoa sen 1.600 tấn, tăng 13,88%; Loa 9,0 triệu cái, tăng 27,21%; tủ gỗ 3.754 chiếc, tăng 22,92%; điện sản xuất 175 triệu kwh, tăng 16,41%;... Tuy nhiên trong tháng có nhiều sản phẩm chủ yếu giảm sút như đá xây dựng giảm 30,78%; sợi giảm 26,36%; phân NPK giảm 5,66%; bê tông tươi giảm 23,81%; tôn Hoa sen giảm 8,90%;…

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 0,44%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,74% (sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 14,68%, sản xuất đồ uống tăng 14,07%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại 30,55%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,75%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,76%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng ở mức vừa phải (tuy nhiên so với kịch bản tăng trưởng thì còn tăng thấp), nguyên nhân trong kỳ không có sản phẩm mới có quy mô lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, mặt khác các sản phẩm chủ lực như sữa, đường, bia, tôn, thủy điện đã khai thác tối đa công suất.

Hai tháng đầu năm một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa tươi 36,22 triệu lít, tăng 19,91%; sữa chua 4.568 tấn, tăng 32,33%; thức ăn gia súc 20,78 nghìn tấn, tăng 31,75%; bia đóng chai 8,18 triệu lít, tăng 85,9%; quần, áo không dệt kim 1.195,9 nghìn cái, tăng 40,66%; bao bì 9,38 triệu chiếc, tăng 104,77%; sản phẩm in 1.039,8 triệu trang, tăng 18,92%; ống nhựa Tiền phong 2.095 tấn, tăng 21,87%; Clanhke xi măng 1.136,4 nghìn tấn, tăng 15,67%; xi măng 757,58 nghìn tấn, tăng 47,07%; thép cán nóng 1.462,2 tấn, tăng 22,88%; … Tuy nhiên trong kỳ có nhiều sản phẩm chủ yếu giảm sút như đá xây dựng giảm 10,08%; sợi giảm 28,04%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 8,04%; thùng các tông giảm 8,42%; phân NPK giảm 43,3%; bê tông tươi giảm 17,53%; ống thép Hoa sen giảm 33,94%; Tôn Hoa sen giảm 14,94%;…

5. Đầu tư và xây dựng

Năm 2019, lĩnh vực đầu tư xây dựng dự báo có khởi sắc hơn, vốn đầu tư phát triển tháng 2/2019 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 420,6 tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 912,5 tỷ đồng, tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 381,5 tỷ đồng, tăng 3,46%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 321,7 tỷ đồng, giảm 6,32%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 209,3 tỷ đồng, tăng 6,94%.

Một số công trình có vốn đầu tư lớn thực hiện trong kỳ như Tiểu dự án phát triển Thành phố Vinh; đường N5 KTT Đông Nam; Khôi phục vùng ngập lũ Nghệ An; Đường giao thông Châu Quang, Châu Cường, Quỳ Hợp; Đường giao thông 533 nối đường Hồ Chí Minh; Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Lam; Kè chống sạt lở sông Nam Cấm; Hạ tầng cụm công nghiệp Bồng Khê, Con Cuông; Khu Tái định cư Nghi Yên, Nghi Lộc; Công viên Thanh thiếu niên thuộc Quần thể lưu niệm Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong; Đường từ Trung tâm huyện Thanh Chương đi Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ; Sửa chữa nâng cao an toàn đập WB8; Sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới Diễn Thọ, Diễn Lợi; Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Cửa Ông, Nam Đàn; Cầu tràn Đồng Hợp, Quỳ Hợp; Bảo tồn, tôn tạo Đền Quả Sơn; Trường THCS phường Quán Bàu;…

Trong kỳ Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Nghệ An đã khởi công cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Cầu rộng 18,5 m dài 5,3 km có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành sau 18 tháng. Khánh thành Nhà máy nước tinh khiết và hoa quả Núi Tiên của Tập đoàn TH tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn với tổng mức đầu tư 1.177 tỷ đồng; Khánh thành Tổng kho xăng dầu DKC của Công ty CP Thiên Minh Đức tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc với tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư: Ngày 23/2/2019 tại Thị xã Cửa Lò, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư xuân Kỷ Hợi 2019. Đây là lần thứ 11 liên tiếp Hội nghị được tổ chức kể từ năm 2009, với mục tiêu giới thiệu quảng bá nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An, các Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại hội nghị lần này, tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án và ký kết 18 biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An với tổng số vốn đăng ký là 21.977 tỷ đồng.

6. Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2.375,65 tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán cả năm và tăng 32,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 2.105,65 tỷ đồng, bằng 17,85% dự toán và tăng 37,13%; Thu từ hoạt động XNK 270 tỷ đồng, bằng 15,88% dự toán và tăng 4,11%. Một số khoản thu so với cùng kỳ năm trước tăng khá như: Thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh 741,55 tỷ đồng, tăng 15,12%; Thu lệ phí trước bạ 184,79 tỷ đồng, tăng 41,51%; Thuế bảo vệ môi trường 168,12 tỷ đồng, tăng 17,69%; Thu phí và lệ phí 64,31 tỷ đồng, tăng 40,26%; Thu tiền sử dụng đất 595,51 tỷ đồng, tăng 177,48%. Tuy nhiên nhiều khoản thu giảm như: Thu từ doanh nghiệp Trung ương giảm 1,73%; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,85%; Thuế thu nhập cá nhân giảm 30,02%. Nguyên nhân nhiều khoản thuế giảm so với cùng kỳ do sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng mạnh chủ yếu do tăng thu tiền sử dụng đất (nếu không tính tiền sử dụng đất thì thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng tăng 18,35%).

Tổng chi ngân sách 2 tháng ước đạt 2.948,8 tỷ đồng, bằng 12,11% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 385 tỷ đồng, bằng 7,41% dự toán; chi thường xuyên 2.543,8 tỷ đồng, bằng 13,57% dự toán. Một số khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 250 tỷ đồng, bằng 13,34% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 1.150 tỷ đồng, bằng 14,29% dự toán; chi sự nghiệp y tế 240 tỷ đồng, bằng 11,38% dự toán; chi đảm bảo xã hội 230 tỷ đồng, bằng 19,85% dự toán và chi quản lý hành chính 500 tỷ đồng, bằng 14,67% dự toán. Các khoản chi đầu năm chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, chi thăm hỏi chúc Tết các đối tượng chính sách, chi mừng thọ, chi hỗ trợ hộ nghèo,…

7. Thương mại, giá cả

Tết nguyên đán Kỷ Hợi năm nay rơi vào đầu tháng 02 (Tết Mậu Tuất năm ngoái rơi vào giữa tháng 02) nên nhu cầu mua sắm dịp Tết chủ yếu diễn ra trong tháng 01. Do đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02/2019 theo giá hiện hành ước đạt 4.807,8 tỷ đồng, tăng 2,44% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 tổng mức bản lẻ hàng hóa ước đạt 10.186,9 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 359,9 tỷ đồng, tăng 5,36%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 8.646,9 tỷ đồng, tăng 12,89%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 65,2 tỷ đồng. Các nhóm hàng hóa trong 2 tháng doanh thu đều tăng hơn cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 3.325,9 tỷ đồng (chiếm 32,65% tổng số), tăng 10,38% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tốc độ tăng chung 3,42 điểm %; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 1.332,7 tỷ đồng, tăng 12,24%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 677,4 tỷ đồng, tăng 10,19%; ô tô các loại 1.465,1 tỷ đồng, tăng 4,49%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 726,2 tỷ đồng, tăng 8,83%; xăng dầu 945,2 tỷ đồng, tăng 26,51%;...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 02/2019 ước đạt 699,3 tỷ đồng, tăng 12,64% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 2 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.379,3 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 892,4 nghìn lượt khách, tăng 14,52% so với cùng kỳ năm trước (649,5 ngàn lượt khách ngủ qua đêm) với doanh thu dịch vụ lưu trú 202,7 tỷ đồng, tăng 15,57%; dịch vụ ăn uống 1.147,2 tỷ đồng, tăng 12,04%; dịch vụ du lịch lữ hành 29,3 tỷ đồng, tăng 29,62%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành) tháng 02/2019 ước đạt 471,7 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng năm 2019 ước đạt 990,2 tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó kinh doanh bất động sản 353,1 tỷ đồng, tăng 3,64%; dịch vụ hành chính 163,2 tỷ đồng, tăng 5,86%; dịch vụ y tế 155,5 tỷ đồng, tăng 13,04% do điều chỉnh giá dịch vụ Y tế theo thông tư 39/2018/TT-BYT; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí 94,9 tỷ đồng, tăng 42,03%;…

Chỉ số giá tiêu dùng: Tháng 2 là tháng Tết nguyên đán Kỷ Hợi, nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh nhưng dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng do đó giá cả thị trường tăng ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 năm 2019 tăng 0,88% so với tháng trước, tăng 0,83% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ 7 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,20% (lương thực tăng 0,86%, thực phẩm tăng 2,96% do thịt lợn tăng 2,86%, thịt bò tăng 7,46%, thịt gia cầm tươi sống tăng 1,65% để tích trữ cho dịp Tết); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,43% do các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát tăng. Có 3 nhóm đứng giá là nhóm bưu chính, viễn thông; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Chỉ duy nhất nhóm giao thông giảm 0,16%.

Bình quân 2 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 5,14%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,26% (lương thực tăng 1,52%, thực phẩm tăng 5,77%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,63%; các nhóm khác có mức tăng thấp hơn và có 01 nhóm đứng giá và 2 nhóm giảm giá là nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD.

Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 1,32%, so với tháng 12/2018 tăng 3,90%, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,21%; chỉ số đô la Mỹ giảm 0,14% so với tháng trước, so với tháng 12/2018 giảm 0,66%, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,29%.

8. Vận tải kho bãi

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 2/2019 ước đạt 6.762 nghìn tấn, khối lượng luân chuyển 292,1 triệu tấn.km. So với cùng tháng năm trước khối lượng vận chuyển tăng 10,88%, khối lượng luân chuyển tăng 9,21%. Tính chung 2 tháng đầu năm khối lượng vận chuyển ước đạt 14.515 nghìn tấn, tăng 12,05% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển 617,5 triệu tấn.km, tăng 10,17%. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa 2 tháng đầu năm 2019 đạt khá do kinh tế phát triển nhu cầu chở hàng hóa tăng cao, nhất là vận chuyển hàng hóa dịp Tết và chở vật liệu xây dựng cho các công trình.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân trước và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhất là việc đi lại của học sinh, sinh viên, người lao động xa quê về ăn tết, các ngành chức năng đã có những giải pháp để các đơn vị kinh doanh vận tải huy động, bổ sung phương tiện, đảm bảo an toàn, không để tình trạng ùn tắc tại các bến xe, ga tàu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành luật giao thông, kiên quyết đình chỉ những phương tiện không đảm bảo an toàn đặc biệt là xe, tàu chở khách.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 2/2019 ước đạt 8.356 nghìn lượt khách và 679,7 triệu lượt khách.km. So với cùng tháng năm trước khối lượng vận chuyển tăng 7,96%; khối lượng luân chuyển tăng 8,21%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 16.315 nghìn lượt khách, tăng 12,06% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 1.327 triệu lượt khách.km, tăng 12,39%. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách tăng khá cao do trong kỳ thời tiết thuận lợi, thời gian nghỉ tết dài thuận lợi cho việc người ở xa về quê ăn tết cũng như du ngoạn trong những ngày đầu Xuân.

Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 2/2019 ước đạt 870,7 tỷ đồng đưa doanh thu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1.783,9 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 1.102,9 tỷ đồng, tăng 10,1%; doanh thu vận tải hành khách 409,1 tỷ đồng, tăng 19,39% và doanh thu bốc xếp, dịch vụ vận tải 271,9 tỷ đồng, tăng 28,91%.

9. Một số vấn đề xã hội

a. Thiếu đói trong dân cư

Tính đến thời điểm 10/02/2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An không xảy ra thiêu đói. Nguyên nhân Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 102/QĐ-TTg cấp cho Nghệ An 1.264,86 tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, qua đó UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 190/QĐ-UBND để phân bổ gạo cho các địa phương (Quế Phong 170 tấn, Quỳ Châu 291 tấn, Kỳ Sơn 339 tấn, Tương Dương 72 tấn, Quỳ Hợp 92 tấn, Con Cuông 107 tấn, Anh Sơn 25 tấn, Thanh Chương 50 tấn, Yên Thành 23 tấn…). Để hỗ trợ các hộ nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng có một cái tết no ấm, đẩy đủ tỉnh cấp ngân sách hơn 8,6 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, người có công và trao quà của Chủ tịch nước 19,4 tỷ đồng cho người có công và gia đình cách mạng. Ngoài ra cấp huyện, cấp xã cũng trích ngân sách hơn 20 tỷ đồng để tặng quà cho người có công với cách mạng, các đối tượng xã hội, chúc thọ, mừng thọ.

b. Dịch bệnh

Trong kỳ từ ngày 10/01/2019 đến 10/02/2019 trên địa bàn toàn tỉnh đã xẩy ra 570 ca tiêu chảy ở các huyện: Quế Phong 98 ca, Kỳ Sơn 86 ca, Tương Dương 70 ca, Hoàng Mai 53 ca, Hưng Nguyên 45 ca,...; Sốt rét xảy ra 5 ca ở Kỳ Sơn; Ngộ độc xảy ra 1 vụ ở Hưng Nguyên. Cộng dồn 2 tháng đầu năm đã xảy ra 1.558 ca tiêu chảy, 13 ca sốt rét, 1 vụ ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước số ca tiêu chảy tăng 1,5% (+23 ca), sốt rét tăng 30% (+3 ca). Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy và ngộ độc là do uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích. Nguyên nhân xảy ra sốt rét do ý thức của người dân trong việc phòng chống muỗi Anophen, để cho muỗi truyền ký sinh trùng từ người này qua người khác.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 31/12/2018 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 11.998 người, trong đó có 9.759 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 449/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã. Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 7.024 người chuyển sang bệnh AIDS và đã tử vong 4.231 người.

c. Trật tự an toàn xã hội

Là tháng Tết nên kỳ này tình hình trật tự và an toàn xã hội có diễn biến phức tạp hơn. Tính từ 10/01/2019 đến 10/02/2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 181 vụ, bắt giữ 196 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thu giữ 121 kg thực phẩm không có nguồn gốc, 41 cá thể tê tê và rùa, 9 con lợn, 599 kg pháo các loại và nhiều hàng hóa khác. Tính chung 2 tháng đầu năm xảy ra 330 vụ, bắt giữ 385 đối tượng. So với cùng kỳ năm trước giảm 4,07% (-14 vụ) và giảm 14,25% (-64 đối tượng).

Phạm pháp hình sự xảy ra 125 vụ với 188 đối tượng chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân làm mất 10 xe máy, nhiều điện thoại di động và nhiều tài sản khác. Cộng dồn 2 tháng đầu năm xảy ra 239 vụ với 359 đối tượng. So với cùng kỳ năm trước tăng 1,7% (+4 vụ) nhưng giảm 3,75% (-14 đối tượng).

Trong tháng đã bắt giữ 83 vụ 86 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, thu giữ 28 bánh hêroin, 11 kg ma túy đá, 3.143 viên ma túy tổng hợp. Tính chung 2 tháng đầu năm bắt giữ 180 vụ 194 đối tượng. So cùng kỳ năm trước giảm 10,0% (-20 vụ), giảm 14,54% (-33 đối tượng).

Trong tháng phát hiện 53 vụ 59 đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó: Thành phố Vinh 24 vụ 24 đối tượng, Cửa Lò 11 vụ 12 đối tượng, ,...; 3 vụ 8 đối tượng hoạt động mại dâm ở Thành phố Vinh, Diễn Châu và Cửa Lò. Cộng dồn 2 tháng đầu năm phát hiện 97 vụ 109 đối tượng sử dụng ma túy, 6 vụ 11 đối tượng hoạt động mại dâm. So với cùng kỳ năm trước sử dụng ma túy giảm 6,73% (-7 vụ), giảm 7,63% (-9 đối tượng); hoạt động mại dâm giảm 2 vụ, giảm 9 đối tượng.

Trong kỳ xẩy ra 44 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 39 người, ước giá trị thiệt hại 1.196 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người, bị thương 57 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 13 vụ, số người chết tăng 12 người, số người bị thương tăng 7 người.

Ngoài ra trong tháng xảy ra 3 vụ cháy, thiệt hại 15,42 tỷ đồng; phát hiện 33 vụ vi phạm môi trường, các ngành chức năng xử phạt 28 triệu đồng; phát hiện 15 vụ đánh bạc thu giữ 259 triệu đồng và một số vật dụng khác. Cộng dồn 2 tháng đầu năm xảy ra 8 vụ cháy, thiệt hại 15,86 tỷ đồng; phát hiện 57 vụ vi phạm môi trường, xử phạt 50 triệu đồng; 18 vụ đánh bạc, thu giữ 407 triệu đồng.

d. Tình hình Tết Kỷ Hợi 2019

Thực hiện chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các cấp, các ngành đã quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thăm hỏi, chúc tết các đơn vị, cá nhân trong tỉnh; tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng; công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vận tải hành khách trước, trong và sau tết được thông suốt.

Các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên hệ thống panô, áp pích, băng rôn, cờ, khẩu hiệu, cổng chào, màn hình điện tử… nội dung về kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân Kỷ Hợi trên địa bàn toàn tỉnh, khắp nơi trên các phố chính và các cơ quan đơn vị; các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra trên khắp các địa phương trong tỉnh; đặc biệt tổ chức chương trình Nghệ thuật “Chào xuân 2019” tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Thời điểm chuyển giao giữa năm Mậu Tuất và năm Kỷ Hợi đã tổ chức bắn pháo hoa tại 02 địa điểm là Công viên trung tâm và đường 72m thuộc xã Nghi Phú, Thành phố Vinh.

Để mọi người dân đều có cái Tết vui tươi, đầy đủ Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trích ngân sách hơn 48 tỷ đồng để chi cho việc thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó quà của Chủ tịch nước là 19,4 tỷ đồng, quà ngân sách tỉnh 8,6 tỷ đồng, quà ngân sách huyện 20 tỷ đồng. Ngoài ra các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” với số tiền 66,185 tỷ đồng, Chính phủ hỗ trợ 1.264,86 tấn gạo cứu đói cho các hộ nghèo đói…

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng thiết yếu để phục vụ Tết Kỷ Hợi; giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay có tăng nhẹ so với năm trước. Tại Thành phố Vinh giá cả một số mặt hàng phục vụ tết như: Nếp Thái Lan 25-30 ngàn đồng/kg; Thịt gà ta 120-150 ngàn đồng/kg; Thịt bò 230-270 ngàn đồng/kg; Thịt lợn mông sấn 100-120 ngàn đồng/kg; Bia lon Hà nội 210-250 ngàn đồng/thùng; Bia Heneiken 370-380 ngàn đồng/thùng;…

Tình hình trật tự an toàn xã hội: Công tác tuyên truyền và đấu tranh phòng ngừa tình trạng nhập lậu, sản xuất, buôn bán, sử dụng, đốt pháo và đốt thả đèn trời được đẩy mạnh tuy nhiên hiện tượng buôn bán, tàng trữ, đốt pháo trong dịp Tết Kỷ Hợi vẫn tăng hơn so với Tết Mậu Tuất 2018. Trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, phát hiện, bắt giữ 47 vu, 51 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các loại pháo (tăng 21 vụ, tăng 24 đối tượng so với Tết Mậu Tuất); bắt 13 vụ, 66 đối tượng đánh bạc, thu giữ gần 100 triệu đồng (giảm 3 vụ, giảm 48 đối tượng). Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An, Tết Kỷ Hợi toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người, bị thương 7 người; so với Tết Mậu Tuất giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, giảm 4 người bị thương.

Theo báo cáo của ngành Y tế từ ngày 28 đến sáng mồng 5 Tết, tổng số bệnh nhân đến khám cấp cứu, tai nạn là 10.870 người, trong đó có 45 người ngộ độc bia rượu, 19 người ngộ độc thực phẩm, không xuất hiện ngộ độc tập thể./.


Website Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An

    Tổng số lượt xem: 1143
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)