(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn pháp lý Liên minh Hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17-18/4/2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tham dự Diễn đàn.
|
Ảnh. MPI |
Tham dự Diễn đàn có ông Bruno Roelants, Tổng Giám đốc Liên minh Hợp tác xã (HTX) quốc tế, ông Li Chungseng, Chủ tịch Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Chia sẻ các ý tưởng, định hướng và giải pháp để thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển của mỗi quốc gia
Diễn đàn là dịp để các bên trao đổi, thảo luận, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cơ hội hữu ích để chia sẻ các ý tưởng, định hướng và giải pháp thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như của khu vực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng và bùng nổ của khoa học, công nghệ cũng như tác động bởi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển bền vững, đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của khu vực kinh tế HTX trong các nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tiếp nối thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDG). Trong tiến trình đó, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm, triển khai nhiều hành động nhằm phát huy vai trò của khu vực HTX với quan điểm “HTX là nòng cốt của kinh tế tập thể, ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế”, vừa là lực lượng bổ sung quan trọng cho sự phát triển của đất nước, vừa là mô hình hiệu quả thực hiện mục tiêu tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
Việt Nam đã ban hành các quy định pháp luật về HTX từ rất sớm (năm 1955) tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, hoạt động và phát triển các loại hình HTX mua bán ở nông thôn, HTX tiêu thụ ở thành thị. Luật HTX đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào năm 1996, sau đó được sửa đổi, bổ sung và thay thế vào các năm 2003 và 2012, đã tạo lập khung pháp lý hoàn chỉnh đối với HTX tại Việt Nam. Trong đó, Luật HTX năm 2012 đã đánh dấu sự thay đổi cơ bản về tư duy phát triển HTX, đã vận dụng các giá trị và nguyên tắc HTX quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Liên minh HTX quốc tế (ICA), tạo cơ sở pháp lý lâu dài cho sự phát triển ổn định và bền vững của loại hình kinh tế này.
Cùng với Luật HTX, Việt Nam đã xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hiệu quả kinh tế tập thể. Hệ thống pháp điển về HTX đang được xây dựng để tạo thuận tiện cho người dân, HTX trong việc tra cứu, áp dụng. Nhờ đó, phong trào HTX ở Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tác động hiệu quả vào việc phát triển HTX trên toàn quốc.
Trong quá trình phát triển đất nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định “đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội đất nước” là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Chào mừng Diễn đàn khai mạc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, mô hình kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp quan trọng về vật lực trong quá trình thống nhất và phát triển đất nước. Trong quá trình phát triển, Việt Nam tiếp tục ban hành chủ trương, chính sách nhằm đổi mới hoạt động của HTX theo kiểu mới, phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy hơn nữa vai trò và lợi ích của kinh tế hộ gia đình.
Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, Luật HTX (sửa đổi), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng 15 nghìn HTX hoạt động hiệu quả đã giúp các HTX của Việt Nam thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Trong 3 năm qua, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đã tăng từ 10% lên 50% trong tổng số hơn 13.000 HTX của cả nước. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu đặt ra cho HTX là không chỉ thích ứng với cơ chế thị trường mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Vương Đình Huệ cho rằng, tỷ lệ HTX ở Việt Nam hoạt động hiệu quả vẫn còn khiêm tốn và gặp nhiều vướng mắc về pháp lý mà Chính phủ còn lúng túng chưa thể giải quyết ngay để phát huy hơn vai trò của khu vực kinh tế này. Cụ thể là việc giải thể các HTX kiểu cũ theo quy định của pháp luật để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, bảo đảm mối liên kết 4 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) gắn với vai trò của HTX còn lỏng lẻo, quy trình, trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp trong HTX và mối quan hệ của doanh nghiệp này với HTX. Chưa có tiêu chí kiểm toán HTX rõ ràng... Đây là những vướng mắc pháp lý lớn mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và cần tham khảo các ý kiến của các quốc gia trong khu vực để bảo đảm HTX đóng góp quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tổng kết 15 năm việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm tạo lập khung khổ mới cho phát triển HTX cả về pháp luật, quản trị và điều hành. Do đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Diễn đàn sẽ góp phần giúp Đảng, Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát huy vai trò của HTX trong giai đoạn mới.
Kết quả thảo luận của Diễn đàn sẽ giúp cho các nước định hình được hướng đi trong tương lai, nhất là gắn kết được sự phát triển của HTX với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, sự lan tỏa mạnh mẽ của đổi mới, sáng tạo dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra các cơ hội hợp tác phát triển, liên kết giữa các nước thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển HTX của các nước, đồng thời chia sẻ thành tựu của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của phong trào HTX quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư