Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/04/2019-23:16:00 PM
Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Luật PPP (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 12/4/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đã chủ trì Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Qua các giai đoạn xây dựng quy định về PPP từ Nghị định số 78/1997/NĐ-CP đến nay là Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP được quy định cụ thể. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP vừa qua cho thấy, có 336 dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải. Một số lĩnh vực khác như nhà ở, tái định cư, hạ tầng ký túc xá, trụ sở làm việc… hầu hết áp dụng loại hợp đồng BT, hoặc một số lĩnh vực quy định nhưng chưa áp dụng như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng khu công nghiệp…

Tại Hội nghị, trình bày về các nội dung chính sách xây dựng Luật PPP, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương đã đưa ra 9 nhóm vấn đề để tập trung thảo luận, gồm: phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư; quy mô dự án áp dụng PPP; loại hợp đồng; bảo lãnh Chính phủ; quyết toán công trình dự án PPP; trách nhiệm của cơ quan hậu kiểm; hoạt động của doanh nghiệp dự án; ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất và sự tham gia của các bên.

Căn cứ thực tế nêu trên, đồng thời nhằm đảm bảo việc tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình PPP nói chung và từng dự án PPP nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về hai phương án. Một là, chỉ áp dụng PPP khi đầu tư dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, năng lượng, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, y tế. Hai là, nâng cấp quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, theo đó quy định chi tiết tại Luật tất cả các lĩnh vực thực hiện dự án PPP và bổ sung điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xử lý trong trường hợp phát sinh các lĩnh vực mới.

Về quy mô dự án áp dụng PPP, quy định tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo PPP thay đổi qua các giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP không nêu hạn mức tối thiểu, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hạn mức từ 20 tỷ đồng trở lên và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định về hạn mức. Do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, vì vậy việc quy định mô hình tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án để đầu tư theo hình thức này, tránh đầu tư dàn trải mang lại hiệu quả không cao. Chi phí giao dịch của các dự án PPP khá cao, do đó, nếu thực hiện PPP cho dự án nhỏ thì dẫn đến không hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Theo phân tích này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến với hai phương án, một là áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo hình thức PPP. Với việc áp dụng hạn mức này, Luật chỉ quy định chung một quy trình dự án, đảm bảo rõ ràng, đơn giản, thống nhất, không cần thiết kế cho dự án ở các quy mô khác nhau như hiện nay. Trong đó, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên là hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi (phương án đã được lấy ý kiến rộng rãi thời gian qua), đồng thời cũng như kinh nghiệm quốc tế chỉ thực hiện dự án PPP đối với dự án quy mô đủ lớn (khoảng 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chỉ đầu tư PPP đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên, đây là mức thấp nhất đối với dự án nhóm B. Hai là, giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP, có quy trình riêng cho dự án quy mô nhỏ để đảm bảo được chuẩn bị thực hiện một cách kinh tế với chi phí hợp lý.

Tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quan điểm xây dựng Luật là “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”. Theo đó, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông trong thời gian qua, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định nguyên tắc áp dụng hợp đồng tại Luật PPP. Cụ thể, chỉ lựa chọn áp dụng loại hợp đồng có cơ chế thu phí từ người sử dụng đối với dự án PPP đầu tư, xây dựng mới và người dân có hơn một sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ. Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, áp dụng loại hình hợp đồng nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư (không thu phí từ người sử dụng)…

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng hoàn thiện chính sách về PPP. Chính những dự án thực hiện thành công theo hình thức này đã xóa bỏ tình trạng thời gian hoàn thành vô thời hạn của các công trình giao thông với tổng mức đầu tư thấp nhưng chất lượng dự án cao. Đây là sự thay đổi quan trọng về nhận thức, nhất là về lĩnh vực xây dựng. Các nhà đầu tư cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai dự án như vấn đề về đồng bộ giữa các luật, bảo lãnh ngoại tệ, quyết toán dự án, trách nhiệm quyền lợi và chia rủi ro giữa các bên liên quan, vấn đề hậu kiểm, xây dựng tiêu chí về sản phẩm, chất lượng dịch vụ…

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung khẳng định, mục tiêu xây dựng luật hiệu quả, có tính khả thi, ổn định cao và có hiệu lực pháp lý lâu dài, tránh tình trạng thay đổi về hệ thống quy phạm pháp luật về PPP trong thời gian qua. Qua những trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến của các nhà đầu tư đều đánh giá cao và mong muốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng đánh giá các dự án đầu tư theo PPP có nhiều yếu tố tích cực như: sự sáng tạo của nhà đầu tư, dự án được thực hiện nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. Đồng tình với ý kiến của đại biểu cho rằng, với cơ chế hiện nay, rất nhiều dự án trong lĩnh vực PPP, đặc biệt là các dự án về giao thông, tỷ lệ sử dụng vốn vay lớn, nhất là vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến chi phí đầu tư dự án cao. Do vậy, nếu loại bỏ được nguyên nhân này sẽ dẫn đến chi phí hợp lý cho đầu tư dự án.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tổng hợp các nội dung được kế thừa từ Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP và ý kiến của các nhà đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xác định phạm vi, quy mô dự án, hợp đồng, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, quyết toán hợp đồng, việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất trong quá trình thực hiện dự án…

Trên tinh thần cầu thị, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng dự án Luật đạt chất lượng, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3908
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)