(MPI) – Nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý I năm 2019 và triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019, đồng thời, kiến nghị một số giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2019, ngày 19/4/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới biến động.
|
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu(MPI) |
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận diện không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát với không ít động thái, thông điệp điều hành xuyên suốt quý I/2019.
Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017. Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức trong các quý II đến quý IV để đạt mục tiêu cả năm 2019. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tiềm năng, thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục suy giảm. Đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.
Tuy vẫn bị hạn chế bởi dịch tả lợn châu Phi nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá ở mức 2,68%. Xuất khẩu thủy sản đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia khác. Khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tăng trưởng giá trị gia tăng ở mức 8,63%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,5%. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các doanh nghiệp chế biến chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2019. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp”, tiếp cận thông tin minh bạch.
CPI bình quân tăng 2,63%, chịu ảnh hưởng của các nhân tố: Giảm chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm; cách thức kiềm chế giá cả còn mang nặng tính “hành chính”; điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng 3/2019 chưa được phản ánh vào CPI tháng 3. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86 tỷ USD, tăng 5,3%. Nhập khẩu đạt 57,45 tỷ USD, tăng 8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12%...
Trình bày một số nội dung của Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp. Chính sách tiền tệ vẫn giữ được sự thận trọng, linh hoạt cần thiết và vẫn củng cố thêm được dư địa điều hành (lãi suất, dự trữ ngoại hối). Cách thức điều hành chính sách tiền tệ vẫn hướng tới củng cố niềm tin của thị trường và nền tảng của hệ thống (tăng an toàn vốn, xử lý nợ xấu), thay vì vội vã chạy theo xử lý các vấn đề ngắn hạn. Chính sách tài khóa đã có sự phối hợp tích cực hơn với chính sách tiền tệ, trên nền tảng ngân sách Nhà nước được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn.
Chính sách thương mại tiếp tục phát huy sự nhanh nhạy, thực dụng, đặc biệt trong quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, giảm thiểu nguy cơ bị chống trợ cấp, chống bán phá giá... Nhờ đó, môi trường kinh tế vĩ mô đã tạo điều kiện để Việt Nam làm sâu sắc hơn các cải cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu(MPI) |
Theo Báo cáo, phần cập nhật nội dung dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Theo đó, GDP của các đối tác tăng 3,9%, mức giá của Hoa Kỳ tăng 2%, giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,1%, giá dầu thô thế giới giảm khoảng 7,2%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD có thể được điều chỉnh tăng 2%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng 14%, giá nhập khẩu tăng 2%, dân số tăng 1,08%/năm, việc làm tăng 0,86%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết không đổi so với năm 2018, tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết tăng 1%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) lần lượt giảm 10% và tăng 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%. Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được bổ sung 429,3 nghìn tỷ đồng…
Kết quả cập nhật dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.
Đối với những quý còn lại trong năm 2019, Báo cáo chỉ ra rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài như rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng, căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. Thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng chính sách mới chậm đi vào thực hiện, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra một số kiến nghị về các chính sách cần ưu tiên để cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư