Nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Liên bang Đức (ngày 3/10), bà Jutta Frasch, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam trao đổi về kỳ vọng đối với mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước và việc thúc đẩy thêm đầu tư của Đức vào Việt Nam.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam và bà kỳ vọng gì về quan hệ hợp tác đầu tư, kinh tế và thương mại giữa hai nước?
Dù môi trường kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển. Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh và xây dựng một nền kinh tế đa dạng. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều dự án đầu tư của Đức vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nếu xu hướng này còn tiếp tục.
Các ưu tiên và mục tiêu hàng đầu của bà trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam là gì?
Nhiệm vụ chính của tôi trong nhiệm kỳ này là hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác Việt Nam, nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Đức, thông qua việc thực hiện những dự án đầu tư quan trọng. Trong đó, phải kể tới Dự án xây dựng Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi sẽ hội tụ Tổng lãnh sự quán Đức, các công ty Đức, các thể chế văn hóa và trở thành một biểu tượng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với mục tiêu đến năm 2010 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo bà, thách thức lớn nhất mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết là gì? Đức có kinh nghiệm nào giúp Việt Nam vượt qua thách thức này?
Thách thức mà Việt Nam đang đối mặt chính là việc bước lên một nấc thang mới để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao hơn nữa. Tôi tin rằng, giáo dục là chìa khóa cho thành công trong tương lai. Giống như Đức, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề toàn cầu hóa và thay đổi liên tục, có ảnh hưởng đến môi trường làm việc của chúng ta.
Đức là mảnh đất của những ý tưởng. Nền giáo dục của Đức tạo ra rất nhiều cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đồng thời, Đức cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc thích nghi với những nhu cầu mới của toàn cầu hóa. Chúng tôi rất vui khi được tham gia một số dự án quan trọng ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và khoa học.
Bà sẽ làm gì để thúc đẩy các dự án đầu tư của Đức vào Việt Nam?
Là một phần của các đối thoại về kinh tế Việt - Đức, tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để đẩy mạnh mối quan hệ chiến lược này. Chúng tôi cũng sẽ củng cố hơn nữa hợp tác đào tạo nghề với Việt Nam. Các công ty Đức sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị một bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam để thực hiện kế hoạch này.