Nguồn: MPI (MPI) – Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 156,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% và nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%, so với cùng kỳ năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa mặc dù duy trì thặng dư với mức xuất siêu ước tính đạt 711 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với mức 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 4/2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3/2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,12 tỷ USD, giảm 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,78 tỷ USD, giảm 15,7%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với tháng 3/2019. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 7,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,6%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 29,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4%, chiếm 70,4% (tỷ trọng giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018).
Có 16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có giá trị tăng so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 16 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu nhưng giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2018, thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, giảm 1,3%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%, Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%. Thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,3%, Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3%, Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%.
Trong tháng 4/2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng 3/2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, giảm 3%. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 17,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.
Có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,1%, thị trường ASEAN đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,2%, Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 1,4%, thị trường EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,8%, Hoa Kỳ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 14,3%
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3/2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD, quý I/2019 xuất siêu 1,4 tỷ USD, tháng 4/2019 ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2019 tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm 2018 xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư