(MPI) - Ngày 04/5/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra phiên họp lần 2 Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp.
|
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương trình bày dự thảo Luật. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập cho biết, nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Luật PPP là đảm bảo giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện hữu, thúc đẩy các dự án PPP. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về PPP theo hướng minh bạch, ổn định, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
PPP là phương thức đầu tư thông qua hợp đồng nhượng quyền giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư, trong đó các bên tôn trọng thỏa thuận hợp đồng, đảm bảo cân bằng và bền vững lợi ích của các thủ thể (Nhà nước - nhà đầu tư - người dân). PPP là hợp đồng dài hạn (khoảng 20 - 30 năm), ẩn chứa nhiều rủi ro, cần cách làm bài bản, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, cùng với chính sách rõ ràng, ổn định. Lợi nhuận của nhà đầu tư PPP được xác định thông qua cơ chế thị trường thể hiện ở phương án tài chính cạnh tranh công bằng.
Dự thảo Luật PPP được xây dựng dựa trên 08 nguyên tắc. Thứ nhất, bám sát các định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức PPP nói riêng. Thứ hai, đảm bảo khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành và các luật khác. Thứ ba, đảm bảo phù hợp với cam kết trong điều ước quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tư, tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường khi triển khai, lấy lợi ích của người dân cùng với việc đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư là trọng tâm để xây dựng chính sách triển khai PPP. Thứ năm, tạo cơ chế, hoàn thiện quy định để thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân, sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách Nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.
Thứ sáu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước về vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư để tạo niềm tin, thu hút khu vực tư nhân. Thứ bảy, đảm bảo tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản, hạn chế hệ quả không mong muốn của khu vực tư nhân, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án. Thứ tám, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai tốt, phát huy được hiệu quả, bảo đảm thông lệ quốc tế trong thời gian qua, hoàn thiện, đổi mới nhưng tránh xáo trộn khung thể chế về PPP để không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Để hoàn thiện dự án Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1979/BKHĐT-QLĐT ngày 29/3/2019 gửi một số Bộ để lấy ý kiến về các nội dung chính sách then chốt. Đồng thời, tổ chức Hội nghị ngày 12/4/2019 để tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư. Trên cơ đó, Bộ đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến và cơ bản hoàn thiện dự thảo Luật PPP. Dự thảo gồm 12 Chương và 113 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực, quy mô và phân loại dự án PPP, Hội đồng thẩm định Nhà nước PPP, nguồn vốn Nhà nước trong dự án PPP, bảo lãnh Chính phủ, loại hợp đồng BT, quyết toán công trình dự án, trách nhiệm của cơ quan hậu kiểm, hoạt động của doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất, cơ chế giám sát độc lập và lựa chọn nhà đầu tư.
Về phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư, với 02 phương án Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, đa số ý kiến của các bộ và nhà đầu tư lựa chọn phương án nâng cấp quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, trong đó quy định chi tiết tại Luật tất cả các lĩnh vực thực hiện dự án PPP và bổ sung điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xử lý trong trường hợp phát sinh lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung quy định về trường hợp dự án không được áp dụng đầu tư theo PPP.
Về quy mô dự án áp dụng PPP, quy định về tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo PPP thay đổi qua các giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 108/2009/NĐ-CP không nêu hạn mức tối thiểu, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hạn mức từ 20 tỷ đồng trở lên, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã bỏ qua quy định về hạn mức. Thực tế, các dự án PPP ở nước ta trong thời gian vừa qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn, chủ yếu thuộc nhóm A, các dự án có quy mô nhóm B trở xuống hầu hết được áp dụng loại hợp đồng BT. Về vấn đề này, đa số các ý kiến lựa chọn phương án áp dụng hạn mức để đầu tư và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Theo dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi hiện nay, quy mô cao nhất của dự án nhóm C là 240 tỷ đồng. Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về phương án “Chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên”.
Về nguồn vốn Nhà nước trong dự án PPP, theo quy định hiện nay, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP vẫn chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Phần vốn đầu tư trong dự án PPP cần phải được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy trình, thủ tục của pháp luật về đầu tư công. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn bởi phần vốn đầu tư công trong dự án PPP thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư. Điều này ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do các nhà đầu tư chưa thấy được sự đảm bảo và sẵn sàng từ phía Chính phủ. Xét tính đặc thù của dự án PPP so với dự án đầu tư công, việc xây dựng một cơ chế sử dụng vốn nhà nước dự án PPP là cần thiết. Tại văn bản số 1797/BKHĐT-QLĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến đối với 02 phương án. Trong đó, phương án 01 là hình thành Quỹ phát triển dự án PPP với chức năng bố trí với Nhà nước và cấp bảo lãnh. Phương án 02 là hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tương tự dòng riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay…
Một trong các nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với sự chuyển biến chính sách của Việt Nam, đó là bảo lãnh Chính phủ. Bảo lãnh Chính phủ đối với các rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu được xem xét là nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nghĩa là nợ chỉ phát sinh khi rủi ro xảy ra. Việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài bị trì hoãn. Tại văn bản số 11107/BTC-ĐT ngày 12/9/2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu cơ chế bảo lãnh Chính phủ thí điểm đối với các dự án giao thông trọng điểm và khẳng tính cần thiết của cơ chế này. Tuy nhiên, vì chưa có cơ sở pháp lý nên không thể triển khai áp dụng. Tại văn bản số 1979/BKHĐT-QLĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến đối với 03 loại bảo lãnh theo thứ tự ưu tiên áp dụng gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Soạn thảo đều đánh giá cao dự thảo Luật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, đồng thời chia sẻ để làm rõ thêm các nội dung về quy mô dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước và Hội đồng thẩm định liên ngành, nguồn vốn thực hiện dự án, quyết toán công trình, công tác hậu kiểm, việc quản lý các dự án PPP, việc tham gia góp vốn của nhà nước,… Trong đó, về bảo lãnh Chính phủ có ý kiến cho rằng không nên áp dụng với loại hình bảo lãnh doanh thu tối thiểu, như vậy sẽ gây áp lực cho chi ngân sách và nợ công. Về quyết toán dự án cần có các quy định cụ thể cho từng loại hợp đồng và từng giai đoạn. Có ý kiến cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan hậu kiểm, cân nhắc lựa chọn dự án BT, nếu giữ dự án BT cần quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư, vì sau kiểm toán cho thấy các dự án lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu, do vậy phải đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo nguyên tắc ngang giá và minh bạch.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Soạn thảo và khẳng định lại sự cần thiết phải xây dựng Luật PPP. Đồng thời làm rõ lại một số vấn đề được các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Soạn thảo quan tâm như phạm vi điều chỉnh, xác định quy mô và phân loại dự án, giám sát độc lập, vai trò của vốn nhà nước và bảo lãnh Chính phủ, quyết toán và hậu kiểm,…
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật. Dự thảo sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư. Trên tinh thần cầu thị, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng dự án Luật đạt chất lượng, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư