Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/05/2019-16:27:00 PM
Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế
(MPI) – Ngày 02/5/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ".

Trao cơ hội, sự bình đẳng, được bảo vệ và khích lệ cho kinh tế tư nhân

Phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở một số vấn đề để phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nhân và đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu.

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, được bình đẳng, bảo vệ, khích lệ, tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Chinhphu.vn

Chia sẻ về các quyết sách nào để ý tưởng khởi nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có các diễn đàn nhằm đối thoại với các doanh nghiệp trẻ, trường đại học về đổi mới. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong năm tới, Chính phủ sẽ có những chính sách và ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo đó, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, tạo thị trường, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

Thống nhất trong pháp luật là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Trả lời các vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm liên quan đến tính dự báo, ổn định nhất quán của chính sách, pháp luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ổn định luật pháp, có khả năng dự báo được, có tính thống nhất trong hệ thống luật pháp là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm, quyết định đầu tư cũng như tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư. “Chính phủ Việt Nam luôn luôn xác định vấn đề luật pháp và thống nhất trong pháp luật là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra hai vấn đề. Thứ nhất, về tính thống nhất luật pháp, thực tế hiện nay vẫn còn một số mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật với nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao để đưa ra phương án hoàn chỉnh, tránh sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật với nhau.

Thứ hai, về sự ổn định của hệ thống luật pháp, trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật sắp tới, Việt Nam sẽ có quy định trong chuyển đổi để doanh nghiệp có đủ thời gian, nguồn lực và các chế tài khác để thực thi hệ thống pháp luật mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật Việt Nam luôn luôn tôn trọng và nhất quán nguyên tắc không hồi tố. Về vấn đề giảm sự trùng lặp của thủ tục xin chủ trương đầu tư với thủ tục cấp phép hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh. Do vậy, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải thực thi đồng bộ, đồng thời hai quy trình. Một là, chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hai là, phải xin cấp giấy phép kinh doanh của bộ quản lý ngành được dựa trên Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Đây là hai quy trình độc lập và phải thực hiện cùng lúc để thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước khác nhau. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ rà soát các điều khoản nhằm giảm thiểu các quy định trùng lặp để tiến hành lược bỏ bớt, ví dụ như điều kiện về vốn.

Liên quan đến các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là loại hình doanh nghiệp có tính chất đặc thù, rất khác biệt. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách cho loại hình này và đang tiến hành xây dựng, rà soát, loại bỏ những vướng mắc khi gia nhập và rút lui khỏi thị trường để phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của loại hình doanh nghiệp này.

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và hiến kế, kiến nghị các giải pháp để tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã làm rõ hơn quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và những nỗ lực của Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, đối thoại thẳng thắn và cởi mở về thực trạng khu vực kinh tế tư nhân và các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3044
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)