Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/04/2019-16:00:00 PM
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc với thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố
(MPI) - Nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng Văn kiện Kinh tế - Xã hội do Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm, ngày 23/4/2019, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban. Tham gia buổi làm việc có các đồng chí Thường trực Tiểu ban, thành viên Tiểu ban, lãnh đạo thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực gần kề Thủ đô.

Điểm lại các công việc đã triển khai của Tiểu ban ngay sau khi được thành lập, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, buổi làm việc để lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo 13 địa phương về thực trạng của địa phương, những điểm nghẽn, vấn đề cần rút ra, bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung cả nước, để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương tập trung phát biểu về những nét nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt những mô hình mới, vận dụng sáng tạo, thành công cũng như các nút thắt, vướng mắc cần giải quyết. Đồng thời, đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vùng và cả nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều cho thấy, việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua của các địa phương đạt kết quả tốt, khá toàn diện, đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều địa phương vượt mục tiêu, quy mô nền kinh tế tăng lên, cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ, đời sống Nhân dân được nâng cao, trong phát triển đã chú ý đến môi trường. Một điểm chung của các địa phương là đều xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, bất cập về bộ máy.

Ghi nhận các góp ý, Thủ tướng Chính phủ nhất trí cho rằng, mục tiêu chính của phát triển bền vững là lấy con người là trung tâm của sự phát triển, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiếp tục phát triển theo 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ, phát triển hạ tầng đồng bộ, liên thông, kể cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng thông minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao các ý kiến góp ý về chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, đề nghị các bộ tập trung đề xuất sớm các biện pháp để giải quyết một số vướng mắc cụ thể mà các địa phương nêu ra. Mỗi địa phương phải cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại và phát triển địa phương mình để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 552
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)