Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2019-15:30:00 PM
Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 17/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc cuộc họp. Ảnh: (MPI)

Hội nghị nhằm đánh giá về tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi do Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển (Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)) tài trợ, cùng thảo luận về các đề xuất, kiến nghị của Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề lớn mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy. Năm 2018, giải ngân tổng thể vốn ODA và vốn vay ưu đãi chỉ đạt khoảng 3,01 tỷ USD tương đương 68.229 tỷ đồng, đạt khoảng 63,2% (bao gồm vốn cho vay lại và viện trợ không hoàn lại) chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ, trong đó vốn cấp phát xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương chỉ đạt 53,6% kế hoạch Quốc hội giao. Những tháng đầu năm 2019, giải ngân được gần 2 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 7% trên tổng số hơn 28 nghìn tỷ đồng kế hoạch được giao. Thực tiễn này đòi hỏi Việt Nam phải xác định rõ các nguyên nhân, vướng mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra được các giải pháp khắc phục và kế hoạch hành động có hiệu quả.

Luật đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Với những quy định mới về quy trình lập kế hoạch, thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có việc trao quyền nhiều hơn cho các cấp cơ sở trong việc ra quyết định, tạo sự linh hoạt hơn cho việc luân chuyển dòng vốn đầu tư công, Việt Nam hy vọng việc thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ được đẩy mạnh, hiệu quả hơn.

Trên cơ sở Luật đầu tư công (sửa đổi), Chính phủ sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việt Nam mong muốn có sự tham gia và đóng góp tích cực của cộng đồng các đối tác phát triển, trong đó có Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để hoàn thiện các văn bản quan trọng này.

Toàn cảnh. Ảnh: MPI

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Nghị định nhằm giúp tháo gỡ một số vướng mắc trong việc đánh giá tác động môi trường, từ đó thúc đẩy nhanh hơn thủ tục thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025. Một trong những nội dung đặt ra là xác định được nguồn lực để thực hiện kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đối với nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ chủ trương tiếp tục huy động và sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn IDA của WB và nguồn ADF của ADB. Nguồn vốn ODA của các đối tác phát triển khác cũng đang giảm đáng kể, thay vào đó là nguồn vốn vay ưu đãi.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 làm cơ sở để các cơ quan của Việt Nam và các đối tác phát triển xác định các lĩnh vực ưu tiên, lựa chọn các dự án tốt để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và lợi thế so sánh của từng nhà tài trợ.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Khung quan hệ đối tác ODA giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam mong nhận được sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để xây dựng tài liệu quan trọng này. Đồng thời, Việt Nam mong nhận được sự phối hợp hiệu quả của cộng đồng các đối tác phát triển, trong đó có Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tránh những bất cập trong việc bố trí kế hoạch vốn nước ngoài như trong giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Để phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu thảo luận cần xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động, quản lý và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn của các đối tác phát triển này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển, đặc biệt các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển trong quá trình hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan chủ quản dự án làm việc với WB, ADB để rà soát, tái cấu trúc các dự án vay vốn WB... Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp để rà soát, tái cơ cấu, hủy các khoản vốn dư không có nhu cầu sử dụng và rà soát các tiêu chí ưu tiên sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những thực tiễn tốt để các nhà tài trợ khác phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ thực hiện hoạt động này nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận về các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi do Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển tài trợ, đề xuất những hành động chung phối hợp giữa Chính phủ và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển trong thời gian tới.../.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3140
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)