(MPI) - Luật đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều điểm mới nổi bật nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, do việc đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh mẽ, góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
|
Ảnh minh họa.Nguồn: MPI |
Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công
Luật đầu tư công (sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Luật quy định nguyên tắc quản lý đầu tư công: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Luật quy định rõ: Giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; Hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Chủ chương trình hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định quy định trình Chính phủ. Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Luật quy định các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan và đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án, đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, sơ bộ tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, lựa chọn đề xuất chương trình, dự án phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Luật quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia; Chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Chương trình, dự án đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Những điểm mới nổi bật của Luật đầu tư công (sửa đổi)
Điểm mới đầu tiên, có ý nghĩa rất lớn, đó là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, vốn đầu tư công quy định tại Luật này gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...). Đồng thời, giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.
Điểm mới thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Theo đó, thực hiện phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Bên cạnh đó, Luật xác định một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư (khoản 6 Điều 18) nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.
Luật quy định việc phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Điển hình là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương).
Phân định rõ được chức năng, thẩm quyền của các cơ quan liên quan đối với trình tự, thủ tục đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đảm bảo phù hợp với Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật đầu tư công.
Điểm mới thứ ba, đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây. Trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của 01 dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Theo đó, phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật đầu tư công là nhằm góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.
Quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin là một giải pháp tiến bộ và cần phải được pháp điển hóa một cách chính thức cũng đáp ứng được yêu cầu thực tế ngày càng phức tạp và diễn ra nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư công. Đồng thời, gắn kết các hoạt động quản lý đầu tư công với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Từ trước năm 2018, toàn bộ công tác tổng hợp, giao và quản lý kế hoạch đầu tư công đều được làm thủ công, công nghệ thông tin chỉ giúp cải thiện tốc độ làm việc của các cá nhân có liên quan nhưng không giúp quản lý có hệ thống cơ sở dữ liệu, mà chủ yếu là quản lý bằng hồ sơ giấy nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tra soát, theo dõi, giám sát cũng như điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch. Bắt đầu từ năm 2018, tuy đã ứng dụng một phần công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, giao và quản lý kế hoạch đầu tư công nhưng vẫn còn ở mức độ hạn chế và thực tế là chưa có quy định pháp lý đối với nội dung này.
Luật đầu tư công (sửa đổi) quy định rõ về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Hệ thống được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư công, bao gồm việc tổng hợp, báo cáo, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, lưu trữ, công khai dữ liệu theo quy định.
Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công trong phạm vi quản lý.
Thông tin, dữ liệu thuộc hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công là thông tin, dữ liệu gốc của các chương trình, dự án và kế hoạch đầu tư công. Việc hình thành cơ sở dữ liệu về đầu tư công và hệ thống quản lý để theo dõi, đánh giá sẽ giảm nhẹ thủ tục hành chính cho công tác báo cáo, đánh giá dự án hiện nay. Việc triển khai hệ thống quản lý, theo dõi, đánh giá về đầu tư công áp dụng cơ sở dữ liệu mạng sẽ thuận lợi về kỹ thuật, giảm thời gian, công sức về nhân lực thực hiện các biểu mẫu báo cáo; phục vụ công tác cập nhật, cung cấp số liệu, báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ; Hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật và công khai sẽ làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư