(MPI) – Chiều ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam, Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet, Đại sứ Ru-ma-ni tại Việt Nam Emil Ghitulescu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmström và Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni Stefan-Radu Oprea đã ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: MPI |
Đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU
Hiệp định EVIPA do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU. Hiệp định này có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như: Đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, và các cam kết bảo hộ đầu tư khác. Các cam kết này trong IPA được xây dựng chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU, có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.
IPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các Bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa. Những điểm khác biệt này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo các quy định của IPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, tương thích với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định.
IPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó. Các quy định này giúp nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp, giúp hạn chế rủi ro về sai sót. Đồng thời, giúp nâng cao tính độc lập của cơ quan giải quyết tranh chấp được nâng cao do các bên tranh chấp không còn được lựa chọn người giải quyết tranh chấp của mình, đồng thời các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ bộ quy tắc ứng xử quy định tại Hiệp định.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmström và Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni Stefan-Radu Oprea ký kết EVIPA Việt Nam - EU. Ảnh: MPI |
EVIPA giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ký kết các Hiệp định về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU là một sự kiện quan trọng đối với tất cả chúng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 02 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập. Đồng thời, các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.
EVFTA và IPA là 02 Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của EU.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tiếp theo 21 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc EU đã được ký kết và thực hiện trong 30 năm qua, việc ký kết IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn Châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của EU.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như: về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam... Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường Châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, Chính phủ Việt Nam mong muốn và đề nghị EU đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm các Hiệp định này được thực thi một cách nhanh chóng, có hiệu quả và thực chất nhất.
Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho thấy, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư