(MPI) – Ngày 05/7/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đối thoại cấp cao hợp tác phát triển về PPP lần thứ 2 diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Đối thoại. Ảnh: MPI
|
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã huy động nguồn lực rất lớn từ khu vực đầu tư công, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển đầu tư cho kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đưa ra các giải pháp để huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Tại Việt Nam, mô hình PPP đã được thực hiện cách đây hơn 20 năm, với khung pháp lý ban đầu là nghị định của Chính phủ quy định quy chế đầu tư có hợp đồng BOT. Trong thời gian qua, các quy định của pháp luật được từng bước hoàn thiện, từ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đến Nghị định số 63/2018/NĐ-CP để thực hiện thỏa thuận đầu tư theo hình thức PPP. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện được 336 dự án, trong đó 140 dự án thực hiện theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hình thức hợp đồng BT và 8 dự án là các hình thức hợp đồng khác.
Mặc dù, các hoạt động về đầu tư theo hình thức PPP còn một số tồn tại, hạn chế nhưng thông qua việc thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua, Việt Nam cũng huy động được một nguồn lực rất lớn, khoảng 1.600.000 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 69 tỷ USD để thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng. Các dự án này đã góp phần làm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Qua rà soát nhận thấy các quy định về đầu tư theo hình thức PPP còn chưa đáp ứng nhu cầu, khung pháp lý về PPP mới ở mức nghị định, do vậy khung pháp lý cho đầu tư PPP cần phải được nâng cao hơn nữa, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật PPP là rất cần thiết nhằm hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng sự đóng góp của các đối tác phát triển trong thời gian qua, trong việc hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo năng lực để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, xây dựng cơ sở dữ liệu… Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các đối tác phát triển. Bộ đang tổng hợp, tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện Dự thảo, bảo đảm Luật đạt chất lượng, đúng tiến độ để trình Chính phủ vào cuối tháng 7/2019 và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý và hỗ trợ hơn nữa của các đối tác phát triển, các cơ quan của Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Luật cần có đánh giá toàn diện từ thực tiễn triển khai, nguồn lực hiện có, điều kiện quốc tế cũng như sự tham vấn của các bên liên quan, đặc biệt là ý kiến của các nhà tài trợ, các đối tác phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư về 10 nội dung chính, bao gồm: Phân định đầu tư PPP, đầu tư công và đầu tư tư nhân; quy mô tối thiểu của dự án PPP; quản lý nguồn vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP; bảo lãnh Chính phủ; áp dụng loại hợp đồng BT; lựa chọn nhà đầu tư; hoạt động của doanh nghiệp dự án; điều chỉnh hợp đồng dự án; giám sát độc lập và việc chấm dứt hợp đồng liên quan đến đầu tư PPP.
|
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: MPI
|
Phát biểu tại Đối thoại, Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá cao sáng kiến tổ chức Đối thoại cấp cao này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối thoại là nơi để trao đổi về các nội dung được quy định tại dự thảo Luật để đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân. Các bên phải xác định các ngành ưu tiên để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, duy trì được tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhưng chúng ta cũng cần có Luật PPP hoàn chỉnh để có được mức độ tăng trưởng như mong muốn. Việt Nam cần có luật tốt để nắm bắt được cơ hội, đặc biệt với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, khi hiện nay nguồn vốn này ngày càng quan trọng.
Ông Ousmane Dione mong muốn những ý kiến góp ý tại Đối thoại trên tinh thần xây dựng, đảm bảo những nội dung đưa vào Luật đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam, chứ không phải nhu cầu của khu vực tư nhân nào đó, đồng thời phải đảm bảo khả năng luật đúng đắn đưa vào thực tế, thuyết phục Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh các nội dung quan trọng của dự thảo Luật PPP đó là cần có sự nhất quán, rõ ràng, mạch lạc, phải có một quy trình rõ ràng cho vòng đời của các dự án PPP, đảm bảo mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất. Luật phải đảm bảo tính toàn diện, có các cơ chế kiểm soát để đảm bảo dự án PPP thành công. Trách nhiệm tài chính là quan trọng nhất với các dư án PPP, do vậy cần làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, nhà đầu tư tư nhân vai trò của các bên, trách nhiệm của Bộ Tài chính, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ với các dự án PPP.
Cập nhật về tình hình hỗ trợ cho Chương trình PPP tại Việt Nam của các đối tác phát triển, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2019, các đối tác phát triển đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể cho chương trình PPP, hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách trong Luật PPP, phát triển các dự án, xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ truyền thông về chương trình PPP.
Tại Việt Nam, việc thực hiện các dự án PPP vẫn còn một số thách thức như chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, rõ ràng, thống nhất, nhận thức chưa đúng về PPP, còn tư tưởng nóng vội trong triển khai, Nhà nước chưa chủ động chuẩn bị dự án. Pháp lý về PPP cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, ổn định, thiếu cơ chế hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh mạnh mẽ từ phía của Nhà nước, còn vướng một số pháp luật liên quan. Đồng thời, thiếu nguồn lực và công cụ tài chính để thực hiện dự án, chưa đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh trong quá trình thực hiện, hệ số tín nhiệm thị trường thấp, chưa tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. Hạn chế về năng lực triển khai thực hiện các dự án PPP từ phía Nhà nước, các đối tác trong nước trực tiếp liên quan, cơ chế phối hợp liên ngành chưa kịp thời, hiệu quả.
Mục tiêu xây dựng Luật nhằm thể chế hóa định hướng, chỉ đạo về phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, huy động nguồn lực tư nhân qua PPP, xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa các Luật, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên. Tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy lợi ích của người dân và nhà đầu tư làm trọng tâm, thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đảm bảo cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, đơn giản, hiệu quả. Đồng thời, phát huy các quy định của PPP đã triển khai hiệu quả, đảm bảo thông lệ quốc tế, hoàn thiện, đổi mới, tránh xáo trộn khung thể chế về PPP để không ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai.
Dự thảo luật gồm 12 chương và 117 điều, các nội dung được nâng cấp từ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về lĩnh vực đầu tư, quy trình thực hiện dự án, loại hợp đồng, bổ sung thêm nội dung mới về quy mô tối thiểu của dự án PPP, phân loại dự án PPP, hội đồng thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư, nguyên tắc áp dụng loại hợp đồng, hoạt động của doanh nghiệp dự án, quyết toán, thanh lý hợp đồng, giám sát độc lập, phần Nhà nước tham gia, áp dụng loại hợp đồng BT, bảo lãnh chính phủ.
Đưa ra các khuyến nghị đối với các chương trình PPP tại Việt Nam, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ chương trình PPP và chương trình quản lý rủi ro tài khóa cho Việt Nam của WB, đại diện Ernst &Young cho biết, trong phạm vi công việc, Ernst &Young đã xây dựng báo cáo quy hoạch nhằm tạo điều kiện phát triển mô hình PPP tại Việt Nam, gồm các nội dung trọng tâm củng cố và hợp lý hóa cách tiếp cận và các quy định thủ tục cho các dự án PPP, đưa ra lộ trình tạo điều kiện phát triển cấu trúc dự án có khả năng vay vốn, đánh giá cấu trúc khung thể chế PPP, khung pháp lý và quy định về PPP, nâng cao chất lượng công tác truyền thông và kế hoạch xây dựng và nâng cao năng lực.
Ernst &Young đưa ra các khuyến nghị để củng cố cách tiếp cận và các quy trình thủ tục cho các dự án PPP, tăng tính minh bạch về hỗ trợ của Chính phủ để phát triển các dự án có khả năng vay vốn. Từ các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy dự án PPP tại các quốc gia, Ernst &Young đã đề xuất xây dựng các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ cho chương trình PPP tại Việt Nam.
Ernst &Young cho rằng, Việt Nam cần vốn đầu tư tư nhân để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình PPP giúp Chính phủ tận dụng nguồn tài chính tư nhân. Khung chuẩn bị dự án, tổ chức đấu thầu và quản lý hợp đồng dự án PPP cần được xây dựng vững chắc nhằm đem lại hiệu quả đầu tư, lộ trình về PPP đưa ra các nội dung trọng tâm và khuyến nghị liên quan. Các bước tiếp theo là Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng và chi tiết hơn nhằm triển khai hoặc xây dựng các chính sách và cơ chế phù hợp với lựa chọn dựa trên các khuyến nghị đã đưa ra. Đồng thời, lập dự thảo kế hoạch chiến lược nhằm triển khai các khuyến nghị và hướng phát triển trong tương lai.
|
Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: MPI
|
Chia sẻ tại phiên Đối thoại, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, đây là cuộc đối thoại tuyệt vời, khi chúng ta đang mong chờ cải cách thế hệ 2 về PPP, do vậy chúng ta cần làm rõ mục tiêu đã đạt được và có cách tiếp cận toàn Chính phủ về PPP. Đại diện ADB cho rằng, vấn đề này nên được quy định cấp nghị định hoặc thông tư để đảm bảo linh hoạt, bởi vì còn liên quan đến kỳ hạn trả lãi vốn vay. ADB cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến đề xuất bổ sung đảm bảo khác biệt giữa nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi, cơ chế đảm bảo ngoại tệ, bảo lãnh của bên thứ 3...
Trong đó, các đối tác phát triển đến từ các cơ quan của Hàn Quốc lại quan tâm đến quy mô dự án, mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cơ chế chuyển đổi ngoại tệ và hệ số trượt giá. Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thì quan tâm đến vai trò của Chính phủ, việc phân bổ rủi ro và giải quyết tranh chấp, nguyên tắc cho vay, vấn đề giải quyết tranh chấp, bảo lãnh chuyển ngoại tệ và bảo lãnh doanh thu.
Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) cho rằng, định nghĩa của dự án PPP trong dự thảo Luật phải quy định rõ là hợp đồng dài hạn, cần bổ sung thêm vận hành tài sản, khối lượng dịch vụ cung cấp và nhấn mạnh vai trò của dự án PPP. Theo IMF, các định nghĩa về nội dung cơ bản của hợp đồng được quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật chủ yếu là định nghĩa trên cơ sở đầu vào (Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời hạn, tổng mức đầu tư, phương án tài chính...). Theo đó, IMF đề xuất các định nghĩa, trong đó nhấn mạnh đến việc Chính phủ đạt được gì từ PPP, chứ không phải đầu tư bao nhiêu từ dự án PPP. Luật PPP phải đảm bảo các dự án PPP sẽ không đi tắt và vượt qua quy trình thẩm định kỹ lưỡng đối với dự án thông thường, Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị đảm bảo ổn định về tài chính của quốc gia cần đánh giá được về mặt rủi ro…
Chia sẻ từ phía các bộ, ngành của Việt Nam, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp mong muốn, các đối tác phát triển giúp Việt Nam đưa ra những kết quả đánh giá liên quan đến rủi ro khi quy định trong hợp đồng hằng ngày thì áp dụng, tuân thủ theo quy định pháp luật của nước sở tại, nhưng hợp đồng giải thích khi có tranh chấp thì áp dụng theo pháp luật nước ngoài và quốc gia nào trên thế giới cho phép hoặc có quy định như vậy.
Về vấn đề bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, Luật NHNN năm 2010 và Thông tư số 50/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định mục đích của quỹ bảo lãnh là đảm bảo mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo ổn định tỉ giá cũng như là quản lý về thị trường ngoại hối. Thông tư số 50/2018/TT-NHNN cũng hướng dẫn cụ thể về giao dịch ngoại tệ, mua bán ngoại tệ và chuyển ngoại tệ sẽ được các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thực hiện, trong trường hợp các tổ chức tín dụng có khó khăn thì NHNN sẽ chủ động can thiệp và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có quyền mua ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài.
Về chính sách của NHNN, Pháp lệnh quản lý ngoại hối đã có quy định cụ thể để đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng về quyền mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài, trong vấn đề chuyển vốn cũng như các nguồn thu hợp pháp khác trong quá trình đầu tư tại Việt Nam ra nước ngoài.
Về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện tại về khung thể chế, Việt Nam có Luật quản lý nợ công và các khoản được tính vào nợ công đã được quy định rõ trong Luật. Tuy nhiên, khi phát sinh nghĩa vụ dự phòng, chỉ tiêu nghĩa vụ dự phòng thì các vấn đề này chưa được thể hiện trong Luật quản lý nợ công, đây là thách thức lớn cho Ban soạn thảo tiếp thu và thiết kế một cơ chế luật để đảm bảo tính hấp dẫn của dự án PPP thông qua cơ chế bảo lãnh. Do vậy, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý của các đối tác phát triển để chính sách đưa ra được hài hòa.
Về quy chế quản lý nguồn vốn mà Nhà nước tham gia vào các dự án PPP, quan điểm của Bộ Tài chính là trong quá trình xây dựng và thực tiễn triển khai hướng dẫn thanh toán giải ngân thì thanh toán trên cơ sở kết quả thực hiện của dự án, vấn đề vướng mắc về kỹ thuật cần xử lý ở đây đó là cơ chế kế hoạch hóa nguồn vốn này để đảm bảo thống nhất với Luật đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Kết luận Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, có tính thực tiễn của các đối tác phát triển trong việc giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp lý về PPP ở cấp độ luật. Đồng tình với ý kiến của Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione, “chúng ta không chỉ đặt ra mục tiêu là luật được Quốc hội thông qua, mà Luật phải có tính khả thi cao để đi vào thực tiễn cuộc sống”. Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, Chính phủ, các bộ của Việt Nam sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để xây dựng luật phù hợp với thông lệ quốc tế, để sau khi có Luật, Việt Nam có nền tảng để huy động được nguồn lực phục vụ cho việc tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, với mục đích cuối cùng là làm sao để mọi người dân đều được thụ hưởng.
Qua Đối thoại, các đối tác phát triển và đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đều thống nhất việc xây dựng và ban hành Luật PPP là rất cần thiết, góp phần cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP được ổn định, bền vững, minh bạch, đảm bảo sự bình đẳng giữa các cơ quan, đối tác tham gia, mang lại hiệu quả cao nhất cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư