(MPI) – Trong khuôn khổ hoạt động thường niên triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính quyền tỉnh Aichi, Nhật Bản, ngày 17/7/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm lần thứ 37 với các doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại khu vực phía Bắc. Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bá Cường chủ trì Tọa đàm.
|
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Bá Cường cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5-7% năm 2019 và dự kiến đến năm 2020 GDP bình quân đạt từ 320 đến 350 tỷ USD. Để đạt được những mục tiêu đó, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm. Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tập trung vào các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, liên kết đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước…
Ông Nguyễn Bá Cường cho biết, Tọa đàm lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến người lao động, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trao đổi các thủ tục hải quan, chính sách thuế, các phát sinh trong quá trình đầu tư.
Tại Tọa đàm, trình bày về những nội dung liên quan đến Đào tạo Kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động Việt Nam, Giám đốc Hiệp hội hợp tác hỗ trợ công nghệ toàn cầu Nhật Bản (GTS) Hamajima cho biết, tập đoàn GTS được thành lập với sứ mệnh truyền tải công nghệ, kỹ năng cạnh tranh với thế giới, tạo ra một môi trường giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đào tạo hiệu quả nhân viên mới, nhân viên cấp trung, thực tập sinh nước ngoài tương đương như các doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, GTS còn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực “made in Japan” và “made by Japan” cho các doanh nghiệp thành viên.
|
Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Giới thiệu các quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định, Giám định Công nghệ Bộ Khoa học công nghệ cho biết, nguyên tắc chung của việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ là không cho phép nhập nếu các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ; Không cho phép nhập nếu không đáp ứng yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; Chỉ cho phép nhập phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tiêu chí đối với máy móc thiết bị đó là tuổi thiết bị phải dưới 10 năm (quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg). 16 loại máy móc thiết bị với mã hồ sơ cụ thể được chấp nhận có tuổi thiết bị dưới 15, 20 năm và được sản xuất phù hợp quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, nếu không có QCVN thì căn cứ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia của G7, Hàn Quốc. Công suất/Hiệu suất không thấp hơn 85% và tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không quá 15% so với thiết kế; Không phải công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ và đang được sử dụng tại ít nhất ba cơ sở trong OECD.
Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện các Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam trao đổi và chia sẻ về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp tỉnh Aichi nói riêng tại các khu công nghiệp và hỗ trợ của Ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương trong việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư