(MPI) – Ngày 11/7/2019, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019” dưới sự chủ trì của bà Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc NCIF. Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách…
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Với mục đích góp phần vào việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và công tác triển khai xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang được tiến hành tại các cấp các ngành “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019” gồm 2 phần chính là: Cập nhật tình kinh hình kinh tế - xã hội Việt Nam và dự báo thời gian tới làm rõ những vấn đề nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời chỉ rõ xu hướng diễn biến của một số chỉ tiêu vĩ mô chính, phân tích những thuận lợi trong phát triển kinh tế cũng như những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2019, từ đó đưa ra kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lớn cả năm 2019; Một số nhân tố tác động đến kinh tế Việt Nam thời gian tới nhằm phân tích và đánh giá một số yếu tố nhiều khả năng tác động đến kinh tế Việt Nam thời gian tới do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, kinh nghiệm điều hành Chính phủ số, tác động của tầng lớp trung lưu Việt Nam thời gian tới và đưa ra dự báo về xu hướng tăng tưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011- 2017. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93% (thấp so với mức 9,07% năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá 2,39% (thấp hơn mức 3,93% cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tương ứng 2,36% và -0,18% của năm 2015-2016). Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017-2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2012 - 2016, nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.
Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019, cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.
“Có được kết quả như vậy là nhờ sự điều hành kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ đề ra nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như: điện, dịch vụ y tế, giáo dục…
Tổng quan một số nét nổi bật về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, NCIF cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Công nghiệp, chế biến, chế tạo có sự phát triển đồng đều, giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng. Tận dụng được xung đột thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế. Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc, đồng thời tăng tỷ trọng vốn đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập.
Chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát và điều chỉnh ở mức thấp là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng…
Theo dự báo của NCIF, trong những tháng cuối của năm 2019, kinh tế thế giới dự kiến đạt mức tăng trưởng khá mặc dù tốc độ tăng dự báo sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Do kỳ vọng vào sự ổn định của các nền kinh tế lớn trên thế giới, tăng trưởng thương mại và đầu tư vẫn sẽ được duy trì, qua đó ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách và nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tận dụng những cơ hội của việc hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam năm 2019.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những quan điểm, đánh giá, nhận định phân tích làm rõ hơn những nét nổi bật về tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khách quan, khoa học hướng tới mục tiêu hạn chế rủi ro, tận dụng các cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô cho kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2019, cũng như cho phát triển trong dài hạn./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư