(MPI) - Ngày 23/7/2019, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.
Đây là Diễn đàn thường niên trong 10 năm qua, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Võ Thành Thống cho biết, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới, mang lại các yếu tố tích cực của nền kinh tế trong năm 2019 như kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng như các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng của các năm từ năm 2011-2017. Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì và tiếp nối được đà tăng trưởng và phát triển tích cực của năm 2018, kết quả đạt khá toàn diện trên tất cảc các lĩnh vực của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, số doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục được gia tăng,…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm nay, những Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đồng thời cùng Nghị quyết 01/NQ-CP, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại Họp báo. Ảnh: MPI |
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, cũng như thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân …
Để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) …
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Căn cứ trên Đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
“Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Tại Họp báo này, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 – 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục, ….
|
Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: MPI |
Năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Xinh-ga-po, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Cần tháo gỡ các rào cản và làm quyết liệt thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư.
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong bố cảnh đó, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 11 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/8/2019 với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam.
Diễn đàn M&A 2019 bao gồm các hoạt động chính đó là Chương trình Hội thảo thường niên; Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018-2019; Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A; Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2019”./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư