(MPI) - Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra ngày 05/8/2019, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về 10 dự thảo Luật, trong đó có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự phiên họp.
Xây dựng thể chế để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Việc xây dựng, sửa đổi các Luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp nhằm thể chế hóa các Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư với nước ngoài đến năm 2030; thực hiện chủ trương của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, xây dựng thể chế để phục vụ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, những mục tiêu cụ thể Dự án Luật này gồm: Một là, hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thành viên của doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Luật được xây dựng theo hướng bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ. Bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP
Dự thảo Luật PPP đã được nghiên cứu và xây dựng nhằm thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP nói riêng.
Đồng thời, xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP; xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; Đảm bảo quy định của Luật phù hợp với các cam kết trong điều ước quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên; Đảm bảo dự án khi đưa vào triển khai tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời lấy lợi ích cho người dân cùng với việc đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách;
Bên cạnh đó, thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước (vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư) để tạo niềm tin, thu hút khu vực tư nhân. Đảm bảo tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản; hạn chế hệ quả không mong muốn của khu vực tư nhân; rõ ràng trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án phù hợp với lĩnh vực, quy mô dự án.
Cùng với đó, phát huy các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả, đảm bảo thông lệ quốc tế trong thời gian qua, hoàn thiện, đổi mới nhưng tránh xáo trộn khung thể chế về PPP để không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, xây dựng, tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến các bộ, ngành, địa phương, nhà tài trợ và nhà đầu tư để hoàn thiện dự thảo và đã đăng tải công khai hồ sơ Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Hồ sơ Luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo Luật
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng khá tốt. Trong đó, đối với dự thảo Luật đầu tư, Bộ đã tự bỏ đi rất nhiều quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật này cũng thể hiện đầy đủ chính sách mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như những hình thức đầu tư mới, như mô hình kinh tế chia sẻ, đi cùng với khắc phục được hình thức đầu tư chui, đầu tư núp bóng và đưa ra được tiêu chí cụ thể về hiệu quả của các dự án đầu tư. Dự thảo Luật này cũng cấm ngành nghề kinh doanh đòi nợ, đồng thời phân quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư sân golf.
Đối với sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, như các thành phần doanh nghiệp khác, nhưng không buộc hộ kinh doanh phải nâng lên thành doanh nghiệp, đồng thời sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ thuộc nhà nước.
Về dự thảo Luật PPP, đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn đầu tư từ khu vực tư ngày càng tăng, việc xây dựng Luật này là rất cần thiết, nhằm hình thành khung pháp lý để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng cho ý kiến về dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Dự án Luật thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Báo cáo về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư