(MPI) - Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, ngày 14/8/2019, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống Kê, Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp của 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long là vùng đất địa linh - nhân kiệt, giàu ý chí, giàu tình người, nơi đây sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực, được mệnh danh là đất học miền Tây.
Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 Vùng đặc biệt quan trọng của cả nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phía Nam của Tổ quốc, có đường biên giới giáp với Lào, Campuchia.
Vùng Đông Nam Bộ là Vùng đầu tàu kinh tế năng động của cả nước, đóng góp hơn 1/3 số thu ngân sách cả nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ và lực lượng doanh nghiệp có trình độ và kinh nghiệm quản lý, là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ giao lưu với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực và thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long là Vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo, là Vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước.
Với lý do nêu trên, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Đông - Tây Nam Bộ là tất yếu khách quan, để hỗ trợ cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng sức cung và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế trong phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nên có thể thúc đẩy đa dạng đầu tư, mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị ngày hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được, các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư công của 19 địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ trong 6 tháng vừa qua. Từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến cuối năm 2019 và các định hướng lớn trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020.
Để Hội nghị đạt kết quả, Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị các đại biểu tham luận tập trung vào ba nội dung chính. Một là, đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm 2019, những vấn đề vước mắc liên quan đến từng lĩnh vực của Ngành Kế hoạch và Đầu tư như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, hợp tác xã…
Hai là, dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020, trong đó nhấn mạnh các định hướng trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Ba là, chia sẻ những cách làm mới, những việc làm hay, hiệu quả đã triển khai thành công tại địa phương trong thời gian qua và kiến nghị các giải pháp để triển khai thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019 và kế hoạch 2020.
Năm 2020 là năm bản lề quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 và chiến lược 10 năm giai đoạn 2010 - 2020. Do đó, Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị đại biểu tham luận, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị để cùng bàn bạc phương hướng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010 - 2020 của Đại hội Đảng toàn quốc.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Tại Hội nghị, báo cáo về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, dự kiến năm 2020 vùng Đông Nam Bộ, phấn đấu năm 2019 GRDP toàn Vùng đạt 8-9%, cụ thể là: Thành phố Hồ Chí Minh 8,3-8,5%, Bình Dương 8,5-8,7%, Đồng Nai 8,5-8,7%, Bà Rịa Vũng Tàu 7,6%, Tây Ninh 8%, Bình Phước 7,5%. Theo báo cáo của các địa phương tốc tăng trưởng GRDP của Vùng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,9%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh 7,86%, Đồng Nai 8,02%, Bình Dương 8,09%, Bình Phước 7,54%, Tây Ninh 8,5%, Bà Rịa Vũng Tàu 7,4%.
Thu ngân sách nhà nước của Vùng đạt gần 298.058 tỷ đồng, đạt 49,73% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 46.822 triệu USD, xuất khẩu cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh đạt 19.619 triệu USD, Bình Dương đạt 12.845 triệu USD, Đồng Nai đạt 9.301 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 862.776 tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng cả nước.
Dự kiến hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong Vùng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,29%; các chỉ tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh đề ra, còn 01 chỉ tiêu thu ngân sách của Vùng dự kiến chưa đạt mục tiêu đề ra (do thành phố Hồ Chí Minh không thu được từ các nguồn thu từ sử dụng đất, nguồn thu từ bán cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… dự kiến cả năm ước đạt 95% so kế hoạch đề ra). Vùng có nhiều đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò là đầu tầu kinh tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mục tiêu kế hoạch 2019 là phấn đấu năm 2019 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương (GRDP) toàn Vùng đạt 7,59%, cụ thể là : Long An 9,81%, Tiền Giang 7,37%, Bến Tre 4,36%, Trà Vinh 12%, Vĩnh Long 6,21%, Cần Thơ 7,51%, Hậu Giang 6,5%, Sóc Trăng 7,3%, An Giang 7%, Đồng Tháp 6,45%, Kiên Giang 7,79%, Bạc Liêu 8,5%, Cà Mau 6,39%.
Về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, tốc tăng trưởng GRDP của Vùng đạt khoảng 7,5%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%). Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng khá là Long An tăng 9,89%, Trà Vinh 17%, Kiên Giang tăng 7,08%, Bạc Liêu tăng 8,25%… Theo báo cáo của các địa phương tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 8.844 triệu USD tăng 11% so với cùng kỳ, (cả nước tăng 9,05%). Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay, đạt 64% dự toán trung ương giao đạt khoảng 54.803 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, ước 6 tháng đạt 123.995 tỷ đồng). Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và đã đạt được những kết quả tích cực về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và tính năng động... Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khá, 6 tháng đầu năm toàn Vùng thu hút 110 dự án mới với số vốn đăng ký là 975 triệu USD. Phát triển doanh nghiệp ổn định, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng khá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Báo cáo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, về công tác chỉ đạo, điều hành, các tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Nghị quyết35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ. Rà soát, đối chiếu và có giải pháp đối với các chỉ tiêu khó đạt mục tiêu kế hoạch năm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Chủ động đánh giá báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự chuyển biến của từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp; thu hút đầu tư trong, ngoài nước, tiếp tục giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, có giá trị cao, đóng góp cao cho ngân sách. Tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Đẩy mạnh cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ trực tuyến đăng ký doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên các thị trường tiềm năng và các lĩnh vực chủ yếu.
Về công tác xây dựng cơ bản, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2019; có phương án sớm triển khai phân bổ và giải ngân vốn được giao đợt 2 năm 2019; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao; xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
Dự kiến 11/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh đề ra, có 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch với mức chênh lệch không đáng kể. Có 8 tỉnh dự kiến tăng trưởng GRDP đạt và vượt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đề ra, gồm: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Các tỉnh trong Vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương trong Vùng có một số hạn chế, khó khăn. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Vùng nhưng phát triển theo hướng quy mô lớn còn ít, chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ. Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn chậm, sản xuất nhỏ, phân tán chưa được khắc phục triệt để. Liên kết, hợp tác sản xuất giữa các chủ thể để hình thành các chuỗi giá trị chưa nhiều.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa. Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều. Các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng mô hình.
Tình hình sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư mới chưa khả quan. Dịch vụ du lịch thiếu đa dạng, quy mô nhỏ. Nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực và năng lực về khoa học công nghệ của địa phương cho phát triển còn hạn hẹp. Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy có phát triển, nhưng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển ngày càng cao.
Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, nhất là giao thông đường bộ nội Vùng, cũng như kết nối với các trung tâm phát triển chưa đồng bộ, các cửa ngõ lưu thông hàng hóa chủ yếu vẫn dựa vào các phương tiện vận tải quy mô nhỏ, giản đơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực vẫn là điểm nghẽn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng…
Vùng chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các dự án (đặc biệt là dự án FDI) có quy mô lớn, quan trọng, dẫn dắt và tạo “cú huých” tác động lan tỏa tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Việc sử dụng nguồn nước chưa hiệu quả, lượng nước sông Mêkông giảm, khai thác nước ngầm tùy tiện, trong khi phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn dẫn tới nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, do đó nước ngọt sẽ là thách thức lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đạt 58% (thấp hơn tỷ lệ bình quân cả nước). Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước (năm 2018 là 48,81 triệu/người; cả nước 59,72 triệu/người). Khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, khoảng cách phát triển so với các vùng khác có chiều hướng gia tăng. Kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, nhưng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước…
|
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các điểm mới của Luật đầu tư công. Về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản số 4538/BKHĐT-TH ngày 03/7/2019 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Đầu tư công năm 2020.
Theo đó, đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 phải vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời phải hướng tới mục tiêu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020, nhất là việc đặt mục tiêu của năm 2020. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng hợp, báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cần làm sớm, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ báo cáo.
Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020, Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về cơ bản bằng năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng phương án phân bổ kế hoạch chi chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua và tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, bố trí đủ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thu hồi các khoản vốn ứng trước còn lại của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; vốn cho các nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện: Đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đến ngày 31/10/2019 có quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công. Đối với dự án chuẩn bị đầu tư phải có Quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư đến ngày 31/10/2019. Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cân đối trong NSNN cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư