(MPI) – Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019, ngày 12/8/2019, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và đại diện các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lãnh đạo đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là lãnh đạo các sở kế hoạch đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp, cục thống kê…
Cách làm mới để nâng cao hiệu quả, tập trung trong công tác lập kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 4 hội nghị khu vực về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020. Các hội nghị này thể hiện sự đổi mới so với những năm trước là Bộ mời các địa phương lên nghe, thì đây là năm thứ 2 Bộ tổ chức hội nghị theo khu vực để hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công. Qua đó, nâng cao hiệu quả, tập trung trong công tác lập kế hoạch, tạo sự chia sẻ, gắn kết trong công tác xây dựng kế hoạch giữa các địa phương.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, hôm nay, Hội nghị được tổ chức tại Huế - Cố đô của Việt Nam, thành phố festival của Việt Nam với những nét đẹp rất riêng, là “Trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của Việt Nam”, nơi vừa đạt giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” và là nơi khởi đầu phong trào “nói không sản phẩm nhựa, chai nhựa dùng một lần” đang được cả nước tích cực hưởng ứng.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Diện tích hơn 150 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Những năm qua, khu vực có những bước đầu tận dụng tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt những kết quả tích cực. Năm 2018, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; Tây Nguyên có 4/5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá, đây là 2 vùng tiềm năng, có thể tạo ra gắn kết để cùng phát triển. Cụ thể, với gần 1900km bờ biển, miền Trung rất có lợi thế về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ ra biển. Còn Tây Nguyên là nóc nhà của các tỉnh miền Trung, vì thế sự gắn kết giữa hai vùng sẽ tạo sự phát triển cao hơn. Trong kết nối này, quan trọng nhất là kết nối giao thông, kết nối Đông - Tây giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực là cần thiết và mang lại hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe hai báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2019 và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020; Định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung 3 nội dung: Thứ nhất, tập trung đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019, trên cơ sở đánh giá kết quả 6 tháng 2019, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch 2020. Năm 2020 có tính chất quyết định trong việc đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong 5 năm của cả nước cũng như các địa phương. Năm 2020 là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch 05 năm của giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đầu tư công góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ các tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Ba là, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất khiêm tốn, các địa phương chỉ đạt 36,16% dự toán Quốc hội phê duyệt. Ngoài ra, trao đổi những kế hoạch bước đầu về một số vấn đề có liên quan đến xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Giai đoạn 2016 - 2020, lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn nhiều vấn đề, do đó rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên này để chúng ta lên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tốt hơn, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, với chức năng là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01, 02, 19, 35 để các địa phương kịp thời quán triệt nhận thức và hành động ngay từ đầu năm. Đồng thời, triển khai Chính phủ điện tử với phương châm hành động là “Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”, thường xuyên báo cáo công tác tham mưu điều hành chỉ đạo các cấp. Bộ đã cử các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Luật đấu thầu, giải ngân vốn đầu tư công, tập huấn Luật quy hoạch, tổ chức các hội nghị trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh kịp thời trong công tác triển khai thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch tại các vùng của cả nước là cách làm mới, tiên phong trong cải cách, sáng tạo làm cơ sở, kịp thời triển khai kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Qua đó, nhằm đảm bảo tập trung, hiệu quả và nâng cao sự phối hợp, chia sẻ giữa các địa phương trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội đầu tư công năm 2020.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng, quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng năm 2020, giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo kết nối mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển vùng với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam - Bắc
Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Nơi đây còn có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam và một số hệ sinh thái điển hình như đầm phá, vùng cát, san hô…
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng miền Trung năm 2019 là phấn đấu năm 2019 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương (GRDP) toàn Vùng đạt 8,5%, cụ thể là: Thanh Hóa 20%, Nghệ An 9%, Hà Tĩnh 12%, Quảng bình 7-8%, Quảng Trị 8% và Thừa Thiên - Huế 7,5%, thành phố Đà Nẵng 8%, Quảng Nam 7,5%, Quảng Ngãi 7%, Bình Định 7-7,2%, Phú Yên 8,3%, Khánh Hòa 6,8%, Ninh Thuận 11%, Bình Thuận 7,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Vùng đạt: 13,3 tỷ USD, tăng khoảng 15% so năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 2018, bằng khoảng 34,3% GRDP; Thu ngân sách vùng 173 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so dự toán năm 2018; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn khoảng 6,2%, giảm 2% riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 60%, đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 23%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 80%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%.
Về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế 14 tỉnh vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng năm 2019 của vùng đạt cao so với bình quân chung. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2018 tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc trong nền kinh tế qua đào tạo toàn vùng là 20,9%, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế 3 cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 8,05% cao hơn bình quân chung cả nước (bình quân cả nước 6,76%). Trong đó có 8/14 địa phương tăng trưởng 6 tháng/2019 cao hơn bình quân chung cả nước là: Thanh Hóa ước tăng 22,18%, Hà Tĩnh 12,78%, Ninh Thuận 10,07%, Phú Yên 9,2%, Bình Thuận 8,46%, Nghệ An 7,09%, Thừa Thiên - Huế 6,87%, Quảng Trị 6,8% và 6 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung là: Bình Định 6,7%, Khánh Hòa 6,5%, Quảng bình 6,32%, thành phố Đà Nẵng 6,21%, Quảng Nam 6,21%, Quảng Ngãi 4,4%.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến ngày 30/6/2019, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 của vùng ước đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 7,5% cả nước (cả nước 18,4 tỷ USD). Trong đó, 117 dự án cấp mới với số vốn 1,14 tỷ USD, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018; 22 dự án bổ sung số vốn 76,79 triệu USD. Địa phương thu hút nhiều nhất là thành phố Đà Nẵng với 66 dự án, 380,66 triệu USD, tiếp theo là Phú Yên với 1 dự án 216 triệu USD (điện mặt trời), Nghệ An 4 dự án với 212,8 triệu USD. Lũy kế đến ngày 30/6/2019, vùng có 1.875 dự án còn hiệu lực, chiếm 6,4% cả nước với tổng vốn đăng ký khoảng 57,9 tỷ đồng, chiếm 16,23% cả nước. Như vậy, về số dự án FDI của vùng chưa nhiều nhưng về tỷ lệ vốn đăng ký khá cao so các vùng khác (thứ 3 trong 6 vùng). Trong đó, Thanh Hóa số vốn lũy kế đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 25% toàn Vùng do có dự án lọc dầu tại KKT Nghi Sơn với số vốn đầu tư là 9,2 tỷ USD.
Phát triển doanh nghiệp ổn định, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019, có 9.564 doanh nghiệp được thành lập mới, chiếm 14,24%, số vốn đăng ký là 90.370 tỷ đồng, chiếm 10,4% cả nước, tăng 4,93% về số doanh nghiệp đăng ký, cao hơn bình quân chung cả nước 3,6% và tăng 2,91% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng ước đạt 10,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2018. Các tỉnh có số doanh nghiệp đăng ký tăng cao hơn so cùng kỳ là Hà Tĩnh 12,95%, Quảng Trị 19,08%, Quảng Nam 12,67%, Quảng Ngãi 21,96%, Bình Thuận 22,82%. Có 3.612 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018; 3.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10% so với cùng kỳ 2018).
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông cho biết, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong Vùng đạt và vượt kế hoạch đề ra với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%, các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn dự kiến chỉ đạt 94,57% so với kế hoạch; Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các tỉnh trong Vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.
Bên cạnh kết quả đạt được, Vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.
Thứ hai, xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.
Thứ ba, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.
Thứ tư, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%.
Thứ năm, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.
Thứ sáu, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.
Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.
Thứ tám, Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố Vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong Vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển Vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới và giữ vững diện tích rừng tự nhiên
Theo báo cáo của các địa phương tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng Tây Nguyên so với cùng kỳ đạt 7,3%. Trong đó, trong đó tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,2%, khu vực dịch vụ tăng 7,3%. Cụ thể, tăng trưởng của từng địa phương như sau: Kon Tum tăng 9,05%, Đắk Nông tăng 8,03%2, Gia Lai tăng 7,22%, Lâm Đồng tăng 7,15%, Đắk Lắk tăng 6,86%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao cả về số lượng và mức vốn đăng ký: Số doanh nghiệp tư nhân trong nước đăng ký lập mới trên địa bàn trong 6 tháng là 1.708 doanh nghiệp, tăng 8,7% so với cùng kỳ (1.570 doanh nghiệp) với tổng vốn đăng ký là 20.349 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ (9.225 tỷ đồng) thu hút 10.302 lao động; số doanh nghiệp dừng hoạt động trên địa bàn 788 doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với số doanh nghiệp đăng ký mới.
Vùng đã thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ vững diện tích rừng tự nhiên: Vùng có 42.658 hộ thoát nghèo và chỉ có 993 hộ tái nghèo. Đến nay toàn Vùng còn 145 nghìn hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,59% số hộ trong Vùng), trong đó 123 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 86% số hộ nghèo của Vùng); số hộ cận nghèo là 111 nghìn hộ (chiếm tỷ lệ 7,91% số hộ của Vùng). Toàn vùng mức đạt bình quân 13/19 tiêu chí nông thôn mới (cả nước bình quân 14,4 tiêu chí). Công tác dân tộc, tôn giáo và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm: Số bác sỹ đạt 16,68 bác sĩ/1 vạn dân; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 77,08%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,38%; Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch 91,8%.
Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch (13/14 tiêu chí), riêng tiêu chí về tỷ lệ che phủ rừng cần phấn đấu quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt khá gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), sản xuất nông nghiệp, thu ngân sách, xuất nhập khẩu. Vùng đã chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng và vốn đăng ký, tạo công ăn việc cho người lao động. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, số hộ nghèo giảm mạnh, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được nâng lên, diện tích rừng được giữ vững.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, về công tác chỉ đạo điều hành Vùng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Rà soát, đối chiếu và có giải pháp đối với các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm thực hiện chưa tốt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong, ngoài nước cần tiếp tục giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, có giá trị cao, đóng góp cao cho ngân sách. Tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP, chủ động rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Đẩy mạnh cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ trực tuyến đăng ký doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên các thị trường tiềm năng và các lĩnh vực chủ yếu…
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các điểm mới của Luật đầu tư công.
Trên cơ sở Luật đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, các kết quả đã đạt được, khó khăn, vướng mắc và các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện; các nguyên nhân khách quan và chủ quan và bài học kinh nghiệm; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân; rà soát nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước còn lại chưa bố trí thu hồi trong giai đoạn 2016 - 2020, số cần thiết bố trí cho các dự án chuyển tiếp chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp quy định của Luật đầu tư công (sửa đổi), bám sát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư) dự kiến trình Đại hội các cấp; Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.
Hội nghị được nghe ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu về vấn đề quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu về khó khăn khi triển khai Luật quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm, khó khăn khi triển khai Luật đầu tư công, chuyển đổi dự án đầu tư, việc triển khai các dự án trong Khu kinh tế; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam phát biểu về việc thiếu vốn cho đầu tư công, khu kinh tế Đông Nam, cân đối vốn trung ương, địa phương; Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An Nguyễn Văn Độ phát biểu về việc chọn lựa địa điểm tổ chức bàn các vấn đề kinh tế xã hội, Luật đầu tư công, quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch quốc gia, khó khăn trong thực thi các dự án PPP & BOT, hiệu quả xử lý từ việc vênh các luật; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa phát biểu về ách tắc trong việc lập quy hoạch, tích hợp quy hoạch tỉnh và vùng; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; kết nối ngang trong liên kết vùng, dân di cư tự do và người dân tộc thiểu số tại chỗ; danh mục đầu tư công theo Luật đầu tư công (sửa đổi); Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi Trần Thị Mỹ Ái phát biểu về giải ngân đầu tư công, kế hoạch 2020, nguồn dự phòng 10%, điều chỉnh kế hoạch trung hạn; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk Đinh Xuân Hà phát biểu về kết nối Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;...
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, chúng ta đều đồng tình, cách tổ chức hội nghị theo khu vực, theo vùng như này là một cách làm hay, tạo điều kiện cho các cơ quan của trung ương có thể hướng dẫn tập trung, các địa phương có sự chia sẻ, gắn kết với nhau trong công tác xây dựng kế hoạch, chia sẻ cách làm hay, cách làm tốt, các địa phương đã có sự đồng thuận cao trong việc nêu ra các kiến nghị, các vướng mắc khó khăn. Việc tập trung các kiến nghị này sẽ giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Qua nội dung làm việc với các địa phương có thể thấy rõ đây là 2 khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, mỗi vùng đều có tiềm năng và lợi thế rất tốt. Tuy nhiên, để khai thác được các tiềm năng này đòi hỏi phải có sự liên kết. Để làm được điều này trước hết cần phải có sự liên kết về hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong khu vực. Theo đánh giá, hiện tại hạ tầng giao thông của các địa phương của miền Trung về cơ bản thuận lợi khi có đầy đủ phương thức về đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, còn các địa phương ở khu vực Tây Nguyên thì khó khăn hơn, ngoài đường bộ có 3 địa phương có sân bay. Tổng kết sơ bộ, miền Trung có 14 tỉnh thì 9 tỉnh có sân bay và có 17 cảng biển và 9 khu kinh tế ven biển, rất thuận lợi cho phát triển liên kết Vùng; Tây Nguyên có 3 địa phương có sân bay. Các địa phương đã thực hiện tốt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong đó có chỉ tiêu về thu ngân sách, thu hút đầu tư cơ bản đạt được so với kế hoạch đã đề ra.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, các vấn đề địa phương đưa ra đã được đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi lại. Đồng thời đánh giá cao kiến nghị của các địa phương, rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá, năm 2019, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra của Chính phủ tại Nghị quyết số 01, 02, 35, Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt đã tập trung thực hiện giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công của miền Trung đạt kết quả tốt với 43%, các tỉnh Tây Nguyên giải ngân đạt hơn 40%. So với các địa phương thì đây là mức giải ngân tương đối cao. Thời gian tới, các địa phương ở 2 khu vực cần có giải pháp để tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao hơn.
Liên quan đến triển khai Luật quy hoạch, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, đây là đổi mới rất lớn trong công tác lập quy hoạch tỉnh nhưng trong quá trình triển khai xuất hiện những vướng mắc trên thực tế như vấn đề căn cứ lập quy hoạch, việc tích hợp quy hoạch tỉnh, vấn đề chuyển tiếp quy hoạch,…
Liên quan đến triển khai Luật đầu tư công (sửa đổi) và kế hoạch đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm với 51 câu hỏi được các địa phương trong vùng gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Hội nghị. Luật đầu tư công (sửa đổi) đã được thông qua nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục thực hiện và quy trình giao kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một cách chi tiết nhất.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch trung hạn cho giai đoạn tới. Quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần đặc biệt quan tâm đến các nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách Nhà nước.
Về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu sẽ tìm mọi giải pháp để đơn giản hóa thủ tục để các địa phương có thể áp dụng đơn giản nhất, điển hình như việc sửa đổi Nghị định 30, sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp... nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đã làm rõ một số vấn đề được các địa phương quan tâm liên quan đến bố trí đủ vốn năm 2019; nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn vốn Ngân sách trung ương; các dự án đầu tư; miễn giảm thuế sử dụng đất,… Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư