Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/08/2019-16:38:00 PM
Cải thiện cơ sở hạ tầng điện: thực trạng và giải pháp
(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo lần thứ nhất triển khai các nội dung đã trao đổi tại Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng MUFG tổ chức ngày 09/8/2019.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng trong hợp tác đầu tư của Việt Nam và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam.

Để thúc đẩy dòng vốn đầu tư Nhật Bản cũng như giải quyết những vướng mắc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam, hai nước đã triển khai nhiều kênh đối thoại giữa hai Chính phủ và cấp Chính phủ với doanh nghiệp.

Từ năm 2003, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng MUFG, Vietinbank tổ chức thành công 05 Tọa đàm với đại diện các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Các buổi Tọa đàm đã trở thành kênh đối thoại quan trọng, hiệu quả, khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam tới các doanh nghiệp và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản đã được giải quyết và nhiều kế hoạch đầu tư lớn đã được triển khai thành hiện thực.

Các buổi Tọa đàm đã đề cập đến các nội dung được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư và cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam như cải thiện cơ sở hạ tầng điện, môi trường, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện Công ty Mitsubishi Heavy Industry, Hitachi Asia (Việt Nam) cho biết, cùng với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu điện trong nước sẽ tăng trưởng 10% hằng năm. Tuy nhiên hiện nay, tiến độ quy hoạch điện VII đang chậm và đến năm 2020 tình trạng thiếu điện tại miền Nam sẽ càng đáng lo ngại. Đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định là yếu tố quan trọng đối với mọi hoạt động kinh tế, do vậy cần có những biện pháp xử lý nhanh chóng.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất các giải pháp ngắn, trung hạn để giải quyết tình trạng thiếu điện. Theo đó, trong ngắn hạn cần nhanh chóng có biện pháp khả thi để cải thiện tình trạng thiếu điện trong khoảng thời gian ngắn bằng cách cải thiện ở từng giai đoạn, phát điện, truyền điện, tiêu thụ điện. Cải thiện công suất phát điện và khả năng vận hành của các nhà máy điện hiện có, giảm tổn thất điện năng bằng các giải pháp sử dụng hệ thống truyền tải và phân phối điện, kiểm soát lượng tiêu thụ điện.

Trong trung hạn cần đa dạng hóa các phương pháp phát điện như phát triển các công nghệ phát điện mới có ưu điểm là an toàn và thân thiện với môi trường để thay thế cho công nghệ phát điện cũ như thủy điện hay nhiệt điện than. Mở rộng, đa dạng hóa khả năng cung cấp điện bằng cách thúc đẩy việc phát điện bằng khí thiên nhiên hóa lỏng. Sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo thông qua việc phát triển lưới điện.

Giải pháp về môi trường đối với nhà máy nhiệt điện than là hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững, áp dụng quy định mới về việc bảo vệ môi trường, làm rõ cơ chế thưởng phạt.

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi thẳng thắn về những vấn liên quan đến phát triển hạ tầng và bảo trì điện lực, cũng như thảo luận về những đề xuất của phía Nhật Bản trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1202
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)