Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/08/2019-16:24:00 PM
Giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra ngày 07/8/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra ngày 07/8/2019. Ảnh: MPI

Theo Dự thảo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia. Trong thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 tăng bình quân 4,8%/năm. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động, đặc biệt năng suất lao động còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Tính theo số tuyệt đối năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam trong quý IV/2019. Ủy ban Năng suất quốc gia sau khi được thành lập có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức và sáng tạo.

Xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, phát triển và quản lý có hiệu quả các mô hình kinh tế mới để tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin để thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại điện tử để giúp tăng cường sự kết nối giữa các nhà sản xuất với người mua, dỡ bỏ rào cản địa lý; thúc đẩy tài chính kỹ thuật số nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và phát triển tài chính bao trùm. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp Nhân dân trong vấn đề nâng cao năng suất lao động.

Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi về thuế, tín dụng … đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm chủ động tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0….

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 903
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)