Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/08/2019-15:39:00 PM
Chính phủ thống nhất chủ trương tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thành hai dự án Luật
(MPI) – Tại Nghị quyết số 61/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2019 ban hành ngày 14/8/2019, Chính phủ thống nhất chủ trương tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thành dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động chuẩn bị hồ sơ, Tờ trình của Chính phủ theo hướng tách thành 02 dự án Luật, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo đó, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết; nghiên cứu tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi hoàn thiện dự án, dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp nhằm thể chế hóa các Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển đất nước, cải thiện thực chất xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhà nước; bám sát, thể chế hóa Nghị quyết đang trình Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, cạnh tranh thu hút đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong khu vực và trên thế giới...

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Chính phủ thống nhất về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của dự án Luật cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của Luật này, tháo gỡ triệt để các vướng mắc, thiếu đồng bộ với các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quy định rõ phạm vi trách nhiệm thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực như: hàng hải, hàng không, năng lượng... Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thống nhất hoàn thiện quy định theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật đầu tư hiện hành; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường hậu kiểm; chỉ quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án có quy mô vốn lớn, hạ tầng trọng yếu của quốc gia, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, liên quan đến thẩm quyền của cấp Trung ương. Đối với những dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cần nghiên cứu cải tiến rút gọn thủ tục theo hướng nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan, thấm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài: thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong quản lý các nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định giao Chính phủ quy định quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phân định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu... bảo đảm khả thi, minh bạch trong thực hiện; quy định rõ giá trị pháp lý của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; quy định về đình chỉ, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hết thời hạn dự án. Về quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài: nghiên cứu, bổ sung quy định ngăn chặn và chế tài đối với hoạt động đầu tư “núp bóng”, hoạt động đầu tư vi phạm pháp luật.

Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất tiếp thu, thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về doanh nghiệp nhà nước; rà soát các quy định tại dự thảo Luật, bảo đảm đồng bộ với Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật có quy định về doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện các quy định liên quan đến các loại hình doanh nghiệp, thời hạn góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần bảo đảm quyền chủ động, thuận lợi trong hoạt động và quản trị doanh nghiệp. Quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh; giao Chính phủ quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách phát triển hộ kinh doanh.

Chính phủ cũng cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Việc xây dựng Dự án Luật PPP đồng thời với sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về huy động các nguồn lực khu vực tư cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; hình thành khung pháp lý đồng bộ để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; luật hóa trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chế tài xử lý vi phạm trong đầu tư PPP, bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, kiểm soát rủi ro pháp lý cho Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về một số vấn đề cụ thể, Chính phủ đã thống nhất xác định rõ nguyên tắc áp dụng, giới hạn, phạm vi áp dụng luật, bảo đảm đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công.... Nghiên cứu thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP, giao Chính phủ quy định quy mô tổng mức đầu tư của dự án PPP bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp thực tế từng lĩnh vực, thời kỳ. Đồng thời, hoàn thiện quy định cơ chế sử dụng, phân định rõ phạm vi, cơ chế quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP đồng bộ với quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước; làm rõ cơ chế bảo lãnh, bảo đảm và cơ chế thực hiện hình thức đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1053
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)