Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Ngày 12/8/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2018.
Theo Báo cáo, năm 2018 cả nước có tổng số 249.622 gói thầu thực hiện theo Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 (tăng 1,13% so với năm 2017), với tổng giá gói thầu là 683.599,878 tỷ đồng (tăng 1,22% so với năm 2017) và tổng giá trúng thầu là 647.676,143 tỷ đồng (tăng 1,28% so với năm 2017). chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 35.923,735 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 5,26% (năm 2017 tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,98%).
Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, năm 2018 đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng trưởng mạnh, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng đạt gần 19.000 với tổng giá gói thầu hơn 46.840 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 42.700 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm cao (7,15%) so với đấu thầu truyền thống. So với năm 2017, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2018 tăng hơn 2 lần (19.000/8.200 gói), tổng giá gói thầu tăng gần 4 lần (46.840/12.000 tỷ đồng), tuy nhiên tỷ lệ tiết kiệm giảm nhẹ so với năm 2017 (8,2%).
Về xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách pháp luật về đấu thầu, các chính sách về đấu thầu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định chi tiết, cụ thể, hướng dẫn thuận lợi cho các đối tượng áp dụng, đảm bảo chuẩn hóa, minh bạch, hài hòa với thông lệ quốc tế, từ đó, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và tạo điều kiện tham gia rộng rãi, thuận lợi cho nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoat động đấu thầu. Trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT ngày 10/12/2018 quy định chi tiết việc lập báo cáo đánh giá qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, giúp chuẩn hóa việc lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu áp dụng đầy đủ đối với tất cả các loại hình dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp.
Việc công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tiếp tục được tăng cường, tạo sự minh bạch tối đa. Thông tin về đấu thầu được quản lý đầy đủ, thống nhất trên Hệ thống tạo điều kiện cho các nhà thầu tra cứu, tiếp cận thông tin đấu thầu dễ dàng, kịp thời, đáng tin cậy, công khai trên mạng và được công nhận giá trị pháp lý. Vì vậy tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, nhân sự tham gia tổ chức lựa chọn nhà thầu, giảm chi phí hành chính, thời gian.
Tuy nhiên, trong những năm qua mặc dù tỷ trọng chỉ định thầu có giảm song tỷ lệ tiết kiệm chung trong đấu thầu có xu hướng giảm dần qua các năm: năm 2016 (7,15%), năm 2017 (6,98%) và năm 2018 (5,26%). Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu chung của cả nước vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các vùng miền vẫn có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu. Đặc biệt, vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với số lượng lớn và tỷ lệ tiết kiệm rất thấp. Đồng thời còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện mua sắm tập trung, tỷ lệ tiết kiệm mua sắm tập trung tuy cao hơn mức tiết kiệm bình quân trên cả nước nhưng còn chưa đồng đều tại một số bộ, ngành, địa phương.
Đến nay vẫn còn một số ngành, lĩnh vực còn có quy định chồng chéo, chưa thống nhất với pháp luật về đấu thầu như trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ vẫn còn quy định về việc giao thầu trong khi Luật đấu thầu đã quy định chỉ có 08 hình thức lựa chọn nhà thầu, trong đó không có hình thức lựa chọn nhà thầu nêu trên. Hoặc Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu hoặc Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 có quy định về một số các công trình, hạng mục công trình lâm sinh được áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa phù hợp với các trường hợp được chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu và Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Những vướng mắc giữa pháp luật đấu thầu và xây dựng cũng dẫn đến những khó khăn, bất cập trong công tác thực hiện như theo quy định của pháp luật về đấu thầu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được chủ đầu tư phê duyệt là một trong các cơ sở quan trọng để xây dựng HSMT. Tuy nhiên, trên thực tế hồ sơ thiết kế các hệ thống thiết bị được xây dựng trên cơ sở chủng loại, đặc tính kỹ thuật của mã hiệu sản phẩm cụ thể. Vì vậy, đối với những hồ sơ thiết kế này khi lập HSMT, nếu đưa cụ thể các yêu cầu kỹ thuật nêu trên có thể làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; nhưng nếu không đưa các yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt thì không tuân thủ đầy đủ pháp luật về đấu thầu…
Ngoài ra, hiện nay có tình trạng nhiều dự án, gói thầu không thực sự đặc thù, đặc biệt có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định song người có thẩm quyền không tự quyết định mà trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật đấu thầu. Điều này không phù hợp với các quy định pháp luật về đấu thầu về việc đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả, minh bạch cho gói thầu, là hình thức người có thẩm quyền thoái thác trách nhiệm của mình theo thẩm quyền, tăng áp lực trình Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, rất nhiều gói thầu viện dẫn lý do “cấp bách, cấp thiết”, tuy nhiên thực tế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và triển khai chậm trễ của chủ đầu tư, bên mời thầu. Trong đó một số gói thầu sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu cấp bách về thời gian nhưng sau đó công tác triển khai các bước tiếp theo lại rất chậm trễ…
Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu trên cả nước cần tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu qua mạng và giảm số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả đấu thầu. Báo cáo công tác đấu thầu hằng năm cần nâng cao chất lượng, phải đảm bảo đầy đủ, đúng thời hạn và có chất lượng theo đúng quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT giúp Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nắm tình hình và đưa ra chính sách kịp thời phù hợp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng theo chỉ đạo của Chính phủ; Hoàn thiện, bảo đảm hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật đấu thầu và các pháp luật chuyên ngành; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu và đẩy mạnh công tác truyền thông về đấu thầu. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu. Tuân thủ nghiêm túc, triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017. Đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP). Công khai, minh bạch thông tin dự án, tăng cường sự tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng như việc triển khai thực hiện hợp đồng để kịp thời phát hiện tồn tại, vi phạm. Tăng cường các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư