(MPI) – Ngày 30/8/2019, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tham dự Lễ phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nguyễn Văn Trung, Võ Thành Thống cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung trình bày Báo cáo. Ảnh: MPI |
Trình bày báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ và kết quả công tác 8 tháng năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, trong 8 tháng qua, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội cơ bản diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực đều có bước tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, luôn khẳng định được vai trò tiên phong trong cải cách và đổi mới, thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực và tiến bộ mạnh mẽ trong từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, từng lĩnh vực công tác, từng nhiệm vụ, từng kết quả đạt được trong 8 tháng qua và những năm gần đây.
Về công tác xây dựng thể chế, pháp luật, sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cải cách và đổi mới đó chính là sự chuyển mình, thay đổi căn bản hình ảnh của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó, Bộ đã coi công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu, huy động và tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ tập thể, quyết tâm đổi mới, cải cách, dám nghĩ, dám làm, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội nhiều bộ Luật quan trọng, như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật đầu tư công (sửa đổi). Bộ đang xây dựng dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư.
Trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thể hiện tư duy đổi mới mang tầm chiến lược dài hạn, tư tưởng chính sách thông thoáng nhưng quản lý toàn diện và hiệu quả, phân cấp mạnh mẽ, tập trung tháo gỡ các nút thắt nhằm khơi thông về mặt thể chế, thông qua đó thu hút hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Về công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tháng, hằng quý, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, kịp thời báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chỉ thị số 09/CT-TTg 01/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và tham mưu những giải pháp, chính sách cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025....
Cùng với những đổi mới quan trọng trong công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật, đổi mới trong công tác kế hoạch hóa cũng là một nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Liên tục trong 3 năm qua, Bộ đã chuyển đổi mạnh phương thức làm kế hoạch từ chỗ các bộ, ngành, địa phương đến làm việc tại trụ sở Bộ sang tổ chức làm việc theo vùng. Qua đó, đã tiết kiệm đáng kể chi phí về mặt nguồn lực cũng như thời gian cho các bộ, ngành, địa phương nhưng đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo ra sự hiểu biết, trao đổi, chia sẻ, thống nhất, liên kết lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Hệ thống văn bản pháp quy về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục được hoàn thiện. Những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp đã khuyến khích tinh thần khởi sự kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm, đạt hơn 90 nghìn doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều được tin học hóa, có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình cũng như tình trạng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên mạng. Hơn 70% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên cả nước đã được đăng ký qua mạng điện tử. Thời gian đăng ký doanh nghiệp hiện nay giảm xuống chỉ còn trung bình 2,18 ngày. Với những nỗ lực trên, lĩnh vực gia nhập thị trường 14 năm liền đứng đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả của 30 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó, khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài, song phải chủ động thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Song song với đó, Bộ đã triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ giàu tiềm năng, lợi thế và hỗ trợ các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tin tưởng, được các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ủng hộ tích cực.
Về hợp tác phát triển, quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài, Bộ đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động cần phối hợp với các đối tác phát triển để triển khai trong bối cảnh phát triển mới khi Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn ODA. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác song phương và đa phương để tranh thủ nguồn vốn ODA còn lại cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, nhân danh Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết 49 Hiệp định vay với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 7,32 tỷ USD. Dự kiến kế hoạch năm 2020, Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước ký kết 07 Hiệp định với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 770 triệu USD. Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu các giải pháp để tham mưu cho Chính phủ nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với công tác đàm phán, ký kết, phê chuẩn các Hiệp định nhân danh Nhà nước theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, bảo đảm hài hòa thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.
Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Về công tác thống kê, bên cạnh việc đảm bảo báo cáo kịp thời, có chất lượng về tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; hoàn thiện Báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015; tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019.
Về công tác xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị, phục vụ nhiều hoạt động, công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập, xây dựng Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ Chính trị và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho ý kiến. Trong 8 tháng đầu năm, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai hiệu quả Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban và Tổ Biên tập, tổ chức thành công 04 Hội nghị của Tiểu ban làm việc với các địa phương tại miền Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Thái Nguyên; Hội nghị xin ý kiến của nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về triển khai các nội dung liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, Bộ đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ cũng như tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh những nhiệm vụ chủ yếu như đã nêu ở trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Bộ cũng như những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, về công tác tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có chủ trương phối hợp, hợp tác với các địa phương về công tác trao đổi cán bộ, trong đó Bộ sẽ gửi một số cán bộ về công tác tại địa phương trong khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, các địa phương cũng gửi số lượng cán bộ tương ứng về công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề xuất này nhằm mục tiêu tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện, tích lũy kiến thức thực tế, kinh nghiệm công tác cả ở trung ương và địa phương cho đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác bổ nhiệm lãnh đạo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, là cơ quan được giao nhiều công việc có tính chất khó, phức tạp với các yêu cầu cao về thời gian, tiến độ và chất lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quán triệt sâu sắc và kiên định tinh thần cải cách, đổi mới, nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luôn đi đầu trong công cuộc cải cách, đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Đồng thời, Bộ luôn quan tâm, tổ chức, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các công tác đoàn thể, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ý thức được rằng, kết quả đạt được trong thời gian qua có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hợp tác hiệu quả các các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu ngày càng hoàn thiện, phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị đã phát biểu, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến công việc của Bộ, đánh giá tình hình triển khai công việc trong thời gian qua, đặc biệt là trong 8 tháng đầu năm 2019. Theo đó, các đơn vị đã tập trung về một số vấn đề liên quan đến công tác thống kê, công tác điều hành kinh tế vĩ mô, xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; công tác triển khai thực hiện Luật quy hoạch, về các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như việc chuyển đổi các khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi tư duy về chính sách đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó thực hiện cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Qua đó mang lại những kết quả tương đối bền vững và đang có xu hướng đi lên. Trong những kết quả chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu từ khi tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp nối sau đó là việc liên tục dẫn dắt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hàng loạt văn bản đã được ban hành.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng việc tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng thể chế trong lĩnh vực này. Đồng thời tin tưởng, với tư cách là tổng tham mưu về kinh tế, xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc thay đổi, đổi mới tư duy, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, qua báo cáo của Bộ cùng các ý kiến phát biểu cũng như qua theo dõi các hoạt động của Bộ trên Cổng thông tin điện tử đã phần nào thể hiện được nhiệm vụ, kết quả đạt được của Bộ, đồng thời đánh giá cao các hoạt động của Bộ trong thời gian qua.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, kết quả phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…chưa bao giờ đạt được bước phát triển tốt đẹp như hiện nay và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được thể qua việc Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tỷ lệ phiếu cao kỷ lục, các chỉ số xếp hạng thế giới đều tăng bậc như chỉ số quốc gia an toàn, quốc gia hạnh phúc, đất nước phát triển tốt, quốc gia quan tâm đến chương trình giảm nghèo, đến trẻ em,… trong những kết quả đó có vai trò rất quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được, trong đó có 8 kết quả nổi bật. Một là, với trách nhiệm được giao và cơ quan xây dựng báo cáo kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, năm, 5 năm cũng như dài hạn, các báo cáo ngày càng được cải thiện, cải tiến và nhận được sự quan tâm, thống nhất cao. Báo cáo của Bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu kịp thời, khách quan, chính xác, đáp ứng yêu cầu của các cấp.
Hai là, công tác xây dựng thể chế, pháp luật, đây là quyết tâm chung của Chính phủ và chưa bao giờ công tác này được thực hiện quyết liệt như thế này, trong đó có vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án Luật cũng như các văn bản dưới Luật được chuẩn bị, xây dựng rất công phu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách và đổi mới. Minh chứng cho điều này, Phó Chủ tịch nước cho biết, về phát triển doanh nghiệp, chưa bao giờ doanh nghiệp mới ra đời và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có số lượng cao như bây giờ và giá trị đồng vốn của doanh cũng tăng cao. Điều này thể hiện niềm tin của xã hội, của nhà đầu tư ngày càng nâng cao.
Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò rất lớn trong quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn phi chính phủ nước ngoài cũng như làm tốt vai trò huy động các nguồn lực trong nước và vốn vay ODA, thu hút FDI. Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nhưng các tổ chức quốc tế vẫn dành sự ưu tiên, hỗ trợ cho Việt Nam. Điều này thể hiện vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động nguồn lực “giỏi”, đóng góp quan quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Bộ đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó quy định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp tầm thế giới, khu vực, trong nước, vùng, địa phương cũng như thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu,…Đặc biệt, mới đây Bộ chủ trì ban hành Sách trắng doanh nghiệp 2019, qua đó thấy được bức tranh phát triển của các ngành, địa phương.
Bốn là, lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Bộ đã tích cực chuyển biến mô hình này thông qua việc tổ chức các hội nghị sơ kết, đánh giá, xây dựng chính sách. Do vậy, ngày càng nhiều mô hình hợp tác xã, làng nghề phát triển.
Năm là, Bộ làm tốt công tác thống kê, trong đó có công tác cập nhật diễn biến tình hình đất nước và thế giới, tình hình dân số, lao động, việc làm cũng như các việc khác. Mới đây, Bộ đã tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019.
Sáu là, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ đã triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác chuẩn bị, phục vụ nhiều hoạt động, công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập.
Bảy là, công tác Đảng, Đoàn thể, qua theo dõi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ cho thấy, Bộ thực hiện nghiêm túc công tác Đảng, các hoạt động đoàn thể rất sôi nổi, chất lượng. Trong thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh gọn bộ máy cán bộ, Bộ đã chủ động đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động, cán bộ nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác bổ nhiệm lãnh đạo.
Tám là, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn và làm tốt công tác Xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương những kết quả Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được và nhấn mạnh, với những thành tựu đạt được cho thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất lớn, đóng góp vào thành quả chung của đất nước. Đồng thời đề nghị, để thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ về đầu tư công; điều phối, phân bổ kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương một cách khách quan hợp lý, công bằng; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, trong đó có các thể chế liên quan đến đấu thầu, quy hoạch, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; đổi mới sáng tạo và Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt, tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa ra gợi ý, các triển vọng phát triển trong thời gian tới.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn những đánh giá của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dành cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những vấn đề được Phó Chủ tịch nước chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề mới, khó và phức tạp như Luật quy hoạch, Luật đặc khu, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Đề án kinh tế chia sẻ, chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đây là những vấn đề chưa có tiền lệ và tác động nhiều đến các thành phần kinh tế, nhiều bộ, ngành, địa phương, tác động đến thói quen,… Bộ luôn xác định tinh thần phải là cơ quan tham mưu chất lượng, đưa ra được khung khổ thể chế tốt nhất, đáp ứng việc thúc đẩy và dẫn dắt nền kinh tế chứ không có tư duy co kéo, bảo vệ vì lợi ích riêng của mình. Cán bộ các cấp trong Bộ đều thấm nhuần tư duy này và Bộ đã mạnh dạn thay đổi, đổi mới, thay đổi mình để đạt hiệu quả nhất và đáp ứng tinh thần đổi mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo góc độ kinh tế, tác động của Cuộc cách mạng tới nền kinh tế. Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Chiến lược quốc gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ đã chủ động thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo, quy tụ 100 người con Việt Nam tiêu biểu cho những tài năng, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ từ khắp nơi trên thế giới, góp phần đặt nền móng cho sự kết nối chặt chẽ giữa những cá nhân để hình thành một nguồn lực quý báu, tạo nên sức mạnh của một dân tộc nhằm hiện thực hóa các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần tư đem lại đối với sự phát triển của đất nước.
Bộ làm tốt công tác Đảng, Đoàn, gắn phong trào thi đua, cụ thể tham gia ủng hộ đồng bào bị bão lũ, thiên tai, quan tâm, ủng hỗ các hội người yếu thế một cách thực chất, hiệu quả qua nhiều cách làm mới, mô hình hay và tạo sự lan tỏa.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát huy truyền thống 74 năm thành lập và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, đi đầu, luôn luôn đổi mới, luôn luôn cải cách, luôn luôn thay đổi mình, phát huy trí tuệ, bản lĩnh để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, tiên phong đi đầu, đóng góp nhiều sức lực để phát triển đất nước.
Sau buổi làm việc đã diễn ra Lễ phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Lễ phát động được diễn ra nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực Kỷ niệm những phong trào thi đua yêu nước, các ngày lễ lớn: 74 Cách mạng Tháng tám, Quốc khánh 2/9, 71 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ phát động hôm nay là hành động cụ thể, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành, nhằm không ngừng nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức trong thực thi công vụ, tạo dựng và củng cố nét văn hóa công sở văn minh, hiện đại trong các cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, đảm nhiệm và làm tốt nhiều công việc lớn, quan trọng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao với khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về tiến độ và chất lượng ngày càng cao. Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn luôn tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động tuyên truyền, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các phong trào thi đua của cả nước, trong đó có phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa, ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”.
Toàn Ngành đã tập trung rà soát, sửa đổi Quy chế làm việc, Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành nhiều văn bản quy định về quy tắc ứng xử như: “Quy định chuẩn mực đạo đức, lối sống theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, “Quy định tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư”... nhằm quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; thay đổi phong cách làm việc, loại bỏ thói quen làm việc theo nếp cũ đã không còn phù hợp; nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành giờ làm việc, thái độ phục vụ; cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp; tổ chức thực hiện nghiêm về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại công sở, nơi cư trú; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp Nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.
Nhờ đó, toàn Ngành nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; đổi mới phong cách, tác phong làm việc, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, chuẩn bị sẵn sàng bước sang năm 2020, là năm tổ chức nhiều lễ kỷ niệm lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, cũng là năm Kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, toàn Ngành cần tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, từng bước hiện đại gắn với xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thủ trưởng các đơn vị trong Ngành phải nghiêm túc quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nội dung thi đua văn hóa công sở.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành theo Kế hoạch của Bộ đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, nêu cao tính gương mẫu, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua với những biện pháp phong phú, thiết thực, hiệu quả, mang lại ý nghĩa; tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện văn hóa công sở bằng việc thực hành nêu gương; chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, hiệu quả.
Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị trong ngành về văn hóa công sở, đạo đức công vụ; nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy của hệ thống chính trị; xây dựng hình ảnh, phong cách, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chuyên nghiệp, khoa học, kỷ cương, sáng tạo, khát khao cống hiến, luôn tận tụy vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thấy cái gì có lợi cho người dân, doanh nghiệp phải tham mưu cho được, làm cho được.
Ba là, xóa bỏ ngay thói quen làm việc thiếu kế hoạch cụ thể, không để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, nhắc thì làm, không nhắc thì không làm hoặc có làm cũng chậm chễ, không đi muộn về sớm, không dời nhiệm sở mà không có lý do chính đáng, không bỏ bê công việc, thực hiện mô hình từ “làm hết giờ” sang “làm hết việc”, xóa bỏ thói xấu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, luôn sẵn sàng chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, xây dựng cơ quan, đơn vị trở thành một gia đình lớn, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, yêu thương lẫn nhau; mọi người đều tận tâm, tự nguyện cống hiến với niềm cảm hứng để xây dựng một tập thể mạnh, tự hào khi có thành tích, buồn khi có khuyết điểm, nhớ về cơ quan mỗi khi đi xa. Làm được điều này chắc chắn đó là một công sở có văn hóa, các cá nhân trong công sở đó cũng là những người thực sự có văn hóa.
Năm là, thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại mọi trụ sở. Không để xảy ra tình trạng thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ căng thẳng, soi xét, nghi kỵ lẫn nhau, bất hợp tác. Thay vào đó là tạo bầu không khí thân thiện, thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến.
Sáu là, thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từng bước hình thành các điều kiện để phát triển ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê ở một tầm vóc mới, tầm vóc của thời đại công nghiệp 4.0. Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về chỉ số cải cách hành chính của chính mỗi đơn vị trong Bộ, trong Ngành. Xây dựng chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy định về văn hóa công sở; đồng thời xây dựng tiêu chí khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy định về văn hóa công sở và thực hiện tốt Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy nêu cao tính gương mẫu, vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, để phong trào thi đua là nguồn động lực cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, xây dựng ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê ngày càng phát triển.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao tặng Huân chương Lao động và tặng hoa chúc mừng cho tập thể và cá nhân. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh lại vai trò của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, là cơ quan tham mưu, kiến thiết kinh tế quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Đồng thời đề nghị Ngành tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, trọng trách được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Lễ phát động, thay mặt Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng Huân chương và Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong phong trào thi đua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư