(MPI) – Từ ngày 09-13/9/2019, tại Hoa Kỳ, Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII do Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu Đoàn đã làm việc với giới chuyên gia, học giả Hoa Kỳ, với mục tiêu là trao đổi về các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
|
Đoàn làm việc tại Ngân hàng Thế giới. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược đã đề ra, đó là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải phát huy được giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam để tạo sức mạnh cho toàn dân tộc cùng tiến lên phía trước và xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng.
Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ hội và thách thức đan xen. Sau hơn ba thập kỷ tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình với nhiều thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần xây dựng con đường phát triển phù hợp với bối cảnh quốc tế mới và thực tiễn, điều kiện đặc thù của đất nước. Vì vậy, việc phân tích, dự báo đúng bối cảnh quốc tế, nhất là kinh tế thế giới trong 10 năm tới và tham khảo các mô hình, bài học kinh nghiệm phát triển quốc tế sẽ là kênh tham khảo hữu ích trong xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam.
Trong chuyến công tác, Tổ Biên tập đã có các cuộc trao đổi thảo luận về bối cảnh quốc tế, xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và chính sách phát triển với các nhà khoa học hàng đầu Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy các tập đoàn công nghệ Mỹ vào Việt Nam và quy tụ nhân tài người Việt tại Hoa Kỳ.
|
Đối thoại với chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới Micheal Porter. Ảnh: MPI |
Tại các cuộc trao đổi, các chuyên gia, học giả cho rằng, trong 10 năm tới sẽ là giai đoạn không ít thách thức với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, phi toàn cầu hóa, sự giảm tốc của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại và biến đổi khí hậu sẽ là xu thế chung. Môi trường kinh tế thế giới cơ bản đang có những chuyển biến không thuận, cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn không chỉ tạo ra những luật chơi mới trong thương mại toàn cầu mà còn thúc đẩy việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch dòng vốn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng cũng có những cơ hội vàng để phát triển bền vững trong thập niên tới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổ Biên tập có cuộc làm việc với Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại học Harvard, Asia Group, Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ vì Sự hiểu biết quốc tế (BCIU), Trung tâm Công nghệ Autodesk, Hội sinh viên Việt Nam; đối thoại trực tiếp với từng chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới như Micheal Porter, David Dollar, David Dapice, Dwight Perkins, Andrew Mason, Thomas Vallely, Tony Saich, Bill Overholt, David Wessel, Nicolas Magnon, Simeon Djankov, Deepak Mishra, Kyle Kelhofer, Irina Astrakhan, Asya Akhalaque, Jaime Frias, Toby Linden, Koji Miymato...; trao đổi với các tập đoàn Asia Group, VIA, KKR, Softbank, L3Harris Technologies, VISA, GE, Albright Stonebridge Group, WeWork, McGraw-Hill Education, Monsoon Blockchain Storage Inc., Pfizer Inc., AIG.
|
Ảnh: MPI |
Nhận diện được thách thức cũng như thời cơ, đồng thời xác định các đột phá chiến lược chính là cơ sở để Việt Nam hoạch định và triển khai thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thập niên tới, trong đó tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, có năng lực cạnh tranh cao, phân bổ nguồn lực hợp lý, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu cốt lõi để Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư