(MPI) – Ngày 26/9/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với Giám đốc Khu vực về Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (WB) Ranfit Lamech.
|
Giám đốc Ranfit Lamech và Thứ trưởng Vũ Đại Thắng. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng hoan nghênh Giám đốc Ranfit Lamech đến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng như tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời đánh giá cao những hỗ trợ, hợp tác của WB dành cho Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam và WB có mối quan hệ mật thiết trong các lĩnh vực về phát triển. Năm 2017, Việt Nam có dấu mốc quan trọng là năm cuối cùng nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, khoản vay ưu đãi (IDA) của WB và cảm ơn WB đã có chính sách linh hoạt trong việc tiếp cận khoản vay IDA chuyển tiếp trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng khi Việt Nam đã tốt nghiệp khoản vay này. Đồng thời cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và văn phòng WB tại Việt Nam để có thể tiếp nhận được các khoản vay phục vụ cho một số dự án phát triển đô thị lớn của Việt Nam.
Việt Nam đang có nhu cầu vốn rất lớn về đầu tư phát triển hạ tầng như hạ tầng đô thị lớn, đường bộ, đường sắt, đường thủy, năng lượng và Việt Nam kết hợp các nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn vay thương mại, nguồn vốn tư nhân để tạo sự hài hòa nhất cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có sự kết hợp giữa đầu tư của nhà nước và đầu tư của tư nhân. Việt Nam đang xây dựng Luật đầu tư theo hình thức PPP nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế nói chung và phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng, đảm bảo quy định phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước…
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời… là những lĩnh vực đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm và mong muốn được hợp tác với WB và đây là những lĩnh vực được các khối đầu tư tư nhân của Việt Nam cũng như tư nhân nước ngoài quan tâm và đang đầu tư mạnh mẽ. Việt Nam sẽ có báo cáo đề xuất xem xét sử dụng các khoản vay phục vụ cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là ở khu vực Duyên Hải miền Trung, vùng Tây Nam Bộ.
Ông Ranfit Lamech cảm ơn Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã dành thời gian đón tiếp và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua và việc tốt nghiệp nguồn vốn IDA của WB là ví dụ điển hình trong việc phát triển của Việt Nam. Đồng thời hy vọng, Việt Nam - WB tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Bên cạnh hỗ trợ các nguồn vốn vay, WB có thể hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực khác để phát triển kinh tế như lĩnh vực giao thông, logistics đường thủy nội địa, năng lượng,…
Về lĩnh vực giao thông, Giám đốc Ranfit Lamech cho biết, hiện các đối tác Việt Nam đang sử dụng nguồn vốn vay của WB để thực hiện các lĩnh vực giao thông vận tải, đường thủy nội địa. Cụ thể, WB đã làm việc với thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) tại địa phương này nhằm tăng mức độ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo thống kê, hiện tại Thành phố chỉ có 6% số người tham gia phương tiện giao thông công cộng, còn lại tham gia bằng phương tiện khác. Điều này phản ánh sự mất cân bằng giao thông ở quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.
Về phát triển logistics đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Ranfit Lamech cho rằng, việc thực hiện Dự án này sẽ giúp người nông dân vận chuyển mặt hàng nông sản ra các khu vực khác nhanh hơn và đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của WB là hợp tác với các đối tác của Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực vận tải nội địa và biến lĩnh vực logistics đường thủy nội địa thành năng lực cốt lõi của Việt Nam. Bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển logistics đường thủy nội địa và WB sẽ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Về năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện, Giám đốc Ranfit Lamech nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, trong đó việc đáp ứng được nhu cầu về điện năng cũng là điều kiện rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. WB sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phát triển lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam đang có các chính sách, chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh và Việt Nam cần kết hợp, sử dụng sáng tạo các nguồn vốn như vốn ODA, FDI, vốn vay thương mại, nguồn vốn của khu vực tư nhân để hỗ trợ nâng cao năng lực của mình. Bên cạnh đó, WB mong muốn tiếp tục trao đổi, hợp tác với các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông nông thôn…
Tại buổi làm việc hai bên đã cùng nhau trao đổi chia sẻ về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - WB trong thời gian tới./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư