(MPI) - Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng các khung pháp lý khuyến khích hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương. Hai bên cũng có nhiều hoạt động trao đổi thông tin, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xúc tiến và hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại mỗi nước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Đây là một trong những nội dung phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Cam-pu-chia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia của Vương quốc Cam-pu-chia tổ chức ngày 04/10/2019. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Samdech Techo Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu về tình hình hợp tác đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam sang Cam-pu-chia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về hợp tác đầu tư, đến tháng 9/2019 đã có 178 dự án đang đầu tư sang Cam-pu-chia, với tổng vốn đăng ký là khoảng 2,8 tỷ USD, Cam-pu-chia đứng thứ 3 trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia đạt khoảng 50,4 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo… Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, lâu dài, có hiệu quả và đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của Cam-pu-chia thông qua việc nộp ngân sách nhà nước, tích cực đóng góp an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, góp phần phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng tại Cam-pu-chia.
Ở chiều ngược lại, tính đến nay, Cam-pu-chia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 63,7 triệu USD. Đầu tư của Cam-pu-chia tại Việt Nam tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ chế biến chế tạo... Riêng 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của Cam-pu-chia vào Việt Nam đạt 3,2 triệu USD.
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây. Năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, đạt 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Với đà tăng trưởng như hiện này, nhiều khả năng kim ngạch thương mại song phương sẽ sớm đạt 5 tỷ USD vào cuối năm 2019 (mục tiêu đề ra là 2020).
Công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư và thương mại cũng đã được đẩy mạnh ở cả cấp cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Kể từ năm 2009 đến nay, hai nước đã phối hợp tổ chức 05 hội nghị hợp tác đầu tư ở cấp Chính phủ. Hội nghị gần nhất là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cam-pu-chia cuối năm 2018, tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành hai nước đã có các chuyến thăm, làm việc, rà soát về việc thực hiện các thỏa thuận liên quan đến đầu tư, thúc đẩy việc triển khai thuận lợi các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia. Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế cũng như kỳ vọng của Chính phủ hai nước
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển lĩnh vực đã đạt được như nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng… hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực đem lại hiệu quả bền vững như sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm sản sạch, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước và xuất khẩu, mở rộng ra một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như du lịch, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước của hai bên cần tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký giữa hai bên nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Triển khai “Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Cam-pu-chia đến năm 2030”. Hai bên cần sớm ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.
Hai bên cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sách ưu đãi để tạo môi trường thu hút và thúc đẩy đầu tư, giao thương. Đồng thời, duy trì thường xuyên hơn nữa cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước với doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy các dự án đầu tư sớm triển khai thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, phải tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó, các Hiệp hội của doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai bên cần tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả, đồng thời kết nối với các cơ quan liên quan của Cam-pu-chia để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam tại Cam-pu-chia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đại diện một số doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước cần nêu ra các cơ hội, khó khăn vướng mắc để các cơ quan có liên quan của hai nước ghi nhận và có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời giúp cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả. Đồng thời mong muốn, Chính phủ Cam-pu-chia, Hội đồng phát triển Cam-pu-chia và các cơ quan có liên quan của Cam-pu-chia tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Cam-pu-chia. Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Cam-pu-chia làm hết sức mình để hỗ trợ việc đầu tư, kinh doanh có hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Cam-pu-chia đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư