Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/10/2019-15:23:00 PM
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2019 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Cam-pu-chia Samdech Techo Hunsen và đoàn đại biểu cấp cao sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ngày 04/10/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia của Vương quốc Cam-pu-chia tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2019 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Cam-pu-chia, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội hai nước và các cơ quan thông tấn báo chí. Bên lề Hội nghị, có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu về công ty và các sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động đầu tư, thương mại của mình đã, đang và mong muốn hiện diện tại Cam-pu-chia.

Phát biểu khai mạc tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, với quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia thời gian qua đã có sự phát triển tích cực.

Đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia tăng mạnh từ năm 2009 đến năm 2015, nhưng có xu hướng chững lại từ năm 2016 - 2018, vốn đăng ký đầu tư vào Cam-pu-chia 9 tháng đầu năm 2019 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chính là do tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp quy mô lớn… không còn nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về đầu tư của Cam-pu-chia hay thay đổi, tình trạng thiếu hụt lao động, chi phí cho khởi nghiệp cao... Các vấn đề này cần được thảo luận kỹ hơn tại Hội nghị này để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy gia tăng các hoạt động hợp tác đầu tư có hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về số lượng, quy mô và được tiếp cận với các công nghệ mới của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020, sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, trong đó, Cam-pu-chia là địa bàn ưu tiên số một của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những thế mạnh trong nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, viễn thông, ngân hàng, du lịch, dịch vụ, bất động sản..., nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học hiện đại, phát triển hạ tầng, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, khởi nghiệp, sáng tạo... Vì vậy, Chính phủ Việt Nam mong muốn có nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực này tại Cam-pu-chia, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đem lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế mỗi nước cùng phồn vinh và thịnh vượng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Phiên thảo luận của Hội nghị sẽ dành thời gian để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát biểu nêu bật những kết quả đã đạt được, phản ánh kịp thời các khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, cũng dành thời gian lắng nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất các kế hoạch, sáng kiến hợp tác đầu tư mới, đem lại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành của hai nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng thương mại Cam-pu-chia Neak Oknha Kith Meng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ góp phần tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ kinh doanh Cam-pu-chia - Việt Nam. Ngoài các cơ chế song phương đã được thiết lập, hai nước đã tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực.

Ông Neak Oknha Kith Meng nhấn mạnh, Việt Nam và Cam-pu-chia là nước láng giềng có mối quan hệ lâu dài. Điều này tạo nền tảng tốt cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển thành công ở hai nước. Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Cam-pu-chia. Đầu tư của Việt Nam chủ yếu tập trung chủ yếu vào nông, lâm nghiệp, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Ước tính có hơn 200 tỷ công ty Viêt Nam hoạt động tại Cam-pu-chia với tổng vốn hơn 3 tỷ USD. Thương mại hai nước đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2018 và đang nỗ lực cố gắng đạt mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2020. Hai nước có tiềm năng để phát triển ngành du lịch.

Hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư ở Cam-pu-chia chưa được khai thác đang chờ đợi các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như kinh doanh nông sản và chế biến thực phẩm, du lịch, xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô, thiết bị phát triển điện và dược phẩm.

Cam-pu-chia là một trong những nền kinh tế bền vững trên trên thế giới. Trong những thập kỷ qua, hiệu quả kinh tế phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 7,7% và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế là ngành xây dựng, công nghiệp may mặc, giày dép, du lịch,... Cam-pu-chia dự kiến sẽ trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á và đang trên đà đạt được vị thế của quốc gia có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.

“Tôi kêu gọi các doanh nhân Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa vào Cam-pu-chia, đặc biệt là việc kết nối truyền tải và kinh doanh năng lượng giữa hai nước”, ông Neak Oknha Kith Meng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, có 178 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư sang Cam-pu-chia với tổng vốn đăng ký là khoảng 2,8 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có đầu tư vào Cam-pu-chia. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Cam-pu-chia đạt 50,4 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo… Trong đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, có hiệu quả và đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của Cam-pu-chia thông qua việc nộp ngân sách, đóng góp an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, góp phần phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực dự án.

Cam-pu-chia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 63,7 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiếp sau là lĩnh vực kinh doanh thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ chế biến chế tạo. Riêng 9 tháng đầu năm, Cam-pu-chia đầu tư vào Việt Nam 3,2 triệu USD.

Về thương mại, năm 2018 tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Cam-pu-chia đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2018, hướng đến đạt mục tiêu 5 tỷ USD trước năm 2020.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Cam-pu-chia năm 2019 là cơ hội để hai Bên đánh giá quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước và là dịp để hai Bên trao đổi, tìm các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... trong thời gian tới. Với sự chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2037
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)