(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 14/10/2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc quán triệt Nghị quyết đã được triển khai sâu rộng, công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các hiệp hội, đoàn thể.
|
Ảnh: MPI |
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng đại diện Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hiệp hội, địa phương; Lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Thực hiện các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng các bộ, ngành trung ương đã phối hợp với Đảng ủy khối và Đảng ủy cơ quan cùng cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết trong phạm vi cả nước.
Công tác thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện. Để triển khai thực hiện Nghị quyết, các tỉnh, thành ủy các địa phương đã xây dựng, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện đều có các Chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai; các sở, ngành, huyện uỷ, thành uỷ, UBND các huyện, thành phố thuộc một số tỉnh, thành phố đã đề ra chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.
Tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức về các quan điểm phát triển KTTT, về bản chất HTX. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức các quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của Nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí, vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết dần được hoàn thiện; nhiều văn bản hướng dẫn và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực HTX, Liên hiệp HTX. Để triển khai Luật hợp tác xã, Chính phủ đã ban hành 63 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và 07 Chỉ thị; các bộ, ngành trung ương ban hành 89 Thông tư, 43 quyết định, 07 chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan; đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; 893 văn bản cấp địa phương do tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các cấp ban hành.
Đối với khu vực tổ hợp tác (THT), trên cơ sở quy định về tổ hợp tác của Bộ Luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành về tổ chức và hoạt động của THT.
Bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với KTTT ngày càng được kiện toàn, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở Trung ương được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là Phó trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Đến nay đã có 58/63 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Các Bộ, ngành trung ương có liên quan đều đã có các đơn vị đầu mối, tham mưu, giúp việc. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước cấp tỉnh về KTTT, HTX, trong đó 26/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chức năng chuyên môn về doanh nghiệp, KTTT và tư nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT. Mạng lưới tổ chức Liên minh HTX các cấp không ngừng được tăng cường, củng cố; lực lượng cán bộ của hệ thống Liên minh HTX từ trung ương đến địa phương phát triển cả về số lượng và chất lượng với hơn 1.600 cán bộ, trong đó, trên 80% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đẩy mạnh công tác phối hợp, thực hiện tốt công tác tư vấn, đào tạo, tuyên truyền, đối ngoại, thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong đó, tích cực vận động Nhân dân tự nguyện tham gia phát triển KTTT, tham gia xây dựng nông thôn mới…
Khu vực KTTT, HTX đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50% - 80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp.
Về THT, đến nay, cả nước có hơn 101.400 THT, tăng 0,58% so với năm năm 2003; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%; có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, tăng 11,2%; doanh thu bình quân đạt 408 triệu đồng/1 THT/1 năm, tăng 75,7%; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/1 lao động/1 năm, tăng 21%...
Toàn quốc có 22.861 HTX, tăng 59% so với năm 2003
Về HTX, toàn quốc có 22.861 HTX, tăng 59% so với năm 2003; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; số lao động làm việc trong HTX là 1,2 triệu người, tăng khoảng 14,8%; doanh thu bình quân đạt trên 4,4 tỷ đồng/1 HTX/1 năm, tăng gấp 5,2 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/1 năm, tăng khoảng 133%... Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 HTX thành lập năm mới năm 2003 lên 2.521 HTX thành lập mới năm 2018, tăng gấp 2,6 lần, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp.
Về Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), cả nước có 74 LHHTX, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2003. Số LHHTX được thành lập mới tăng nhanh từ năm 2013 trở lại đây (48 LHHTX được thành lập). Các LHHTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7%; thu hút 555 HTX thành viên, tạo việc làm cho 25,8 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động là hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 liên hiệp là 8,3 tỷ đồng/năm...
Mặc dù vậy, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế. Việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức, việc sơ kết, tổng kết còn sơ sài, chưa sâu sắc, có biểu hiện thành tích, chưa thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia.
Công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX.
Công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện (như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng) hoặc thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm); nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ KTTT chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách.
Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn buông lỏng; chưa thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, dẫn tới số liệu báo cáo liên quan đến KTTT, HTX không đầy đủ, không cập nhật và chưa chính xác.
Một số tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được Nghị quyết chỉ rõ vẫn chưa được khắc phục triệt để, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.
Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT;cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.
Còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, trong khi đó HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.
Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.
Tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; nguồn lực và cơ chế hỗ trợ KTTT còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau. Một là, nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và các văn bản pháp luật về HTX nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên.
Hai là, tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương để phát triển KTTT, HTX; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về KTTT, HTX trên toàn quốc.
Ba là, hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nướcvề KTTT theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT các cấp. Coi trọng công tác kiểm tra và sơ kết để tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX.
Bốn là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của THT, HTX, LHHTX, thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX; giải quyết dứt điểm tình trạng HTX ngừng hoạt động tồn tại dưới dạng hình thức; xử lý nợ tồn đọng để lành mạnh hóa khu vực hợp tác xã;tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm;tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân, hội, hiệp hội, trong đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và trong phát triển KTTT. Đưa phát triển KTTT là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể; Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc phát triển KTTT.
Sáu là, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức liên minh hợp tác xã, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chú trọng hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh.
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX từ các tổ chức quốc tế. Chủ trì, tham gia các hội nghị quốc tế về HTX, thành lập Diễn đàn các tổ chức quốc tế để hỗ trợ khu vực HTX.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung chính nêu trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển KTTT, HTX, nhưng việc thúc đẩy phong trào HTX phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Hơn ai hết, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.
Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế HTX. Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, chúng ta có thể tin tưởng, trong thời gian tới phong trào HTX ở nước ta sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư