(MPI) – Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một Trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới, đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 với chủ đề “Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế chính thức” diễn ra ngày 18/10/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Sự trỗi dậy của khu vực châu Á là chất xúc tác quan trọng nhất cho các hoạt động về tài chính
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc hình thành trung tâm tài chính không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành một động lực mới quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các trung tâm phát triển của thế giới.
Vẫn còn một số quan điểm hoài nghi về tính khả thi khi triển khai ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam, mà cụ thể là tại thành phố Hồ Chí Minh. Xét trên cục diện tổng thể và những yếu tố lợi thế riêng có của Việt Nam và của Thành phố, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Không những thế mà cần phải làm ngay, chúng ta chỉ trì hoãn một chút thôi là có thể đã bỏ lỡ một cơ hội vô cùng quý giá và quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Châu Á sẽ giữ vai trò là khu vực có đóng góp nhiều hơn phần còn lại của thế giới trong phát triển kinh tế toàn cầu. Ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại xuất phát và diễn ra tại khu vực, xuất hiện nhiều nhu cầu và hoạt động về tài chính, kéo theo sự ra đời các thành phố, trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới mà trước đây ít ai nghe tới, như Thâm Quyến, Hàng Châu... Mặt khác, các nhà đầu tư, nhà tài chính, các doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm kiếm những “mảnh đất mới”, những cơ hội mới để mở rộng hoạt động và gia tăng lợi ích của mình. Theo đó, việc ra đời một trung tâm tài chính mới tại thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn có thể.
Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính
Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Hiện nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã kết nối với 72 thành phố của trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ; lượng khách quốc tế qua cảng hàng không này gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Nghiên cứu cho thấy, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 38,4 triệu hành khách, vượt 1,56 lần công suất thiết kế, riêng nhà ga quốc tế khai thác vượt 1,14 lần. Dự báo, đến năm 2025, nhu cầu hành khách khu vực thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 65 triệu và đạt mức 85 triệu vào năm 2030, tăng bình quân 6,7%/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành sẽ giúp nâng tổng công suất của khu vực lên 75 triệu hành khách/1 năm và tăng lên 100 triệu hành khách/1 năm vào năm 2030.
Kết nối hàng không mức độ cao là điều kiện quan trọng để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế. Đây là lợi thế mang tính tiềm năng của thành phố Hồ Chí Minh khi so sánh với sân bay Changgi của Xinh-ga-po (kết nối 380 thành phố, trên 100 quốc gia); sân bay Heathrow Luân-đôn (kết nối 217 thành phố, trên 83 quốc gia); sân bay Hồng Kông (kết nối 165 thành phố, trên 48 quốc gia). Việc quyết tâm đầu tư hạ tầng hiện đại, mở rộng kết nối quốc tế sẽ tạo thêm động lực cho việc hình thành trung tâm quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.
Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường tài chính và tiền tệ là điều kiện không thế thiếu để các trung tâm tài chính hình thành, hoạt động và phát triển
Theo tổ chức Natixis Asia đã đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong 7 nền kinh tế mới nổi của châu Á, với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do WEF đánh giá tăng 10 bậc, độ mở của nền kinh tế thuộc nhóm cao nhất trong các nền kinh tế (khoảng 200%), đã ký kết 16 FTA, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới, hệ thống thể chế cơ bản cho việc hình thành và hoạt động của các định chế tài chính ở Việt Nam đã được ban hành và tiếp tục hoàn thiện...
So với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang có điều kiện và cơ hội hiếm có để ghi tên mình trên bản đồ thị trường tài chính toàn cầu. Thành phố Hồ Chí Minh đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 24% GDP cả nước, 1/3 ngân sách quốc gia, 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, 22% tổng vốn FDI cả nước, vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng 137 tỷ USD và chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối... Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính.
Ngoài ra, trong những năm qua, thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có triển vọng được nâng hạng trở thành “thị trường mới nổi”. Mặc dù quy mô của các thị trường này ở Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nhưng Chính phủ và Thành phố đang rất nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, các rào cản về thể chế nhằm phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán.
Những biến động về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới trong thời gian gần đây và những diễn biến mới nhất tại những trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á và thế giới đang tạo ra thế cân bằng mới, mở ra cơ hội để những trung tâm mới nổi bứt phá và tạo lập vị thế mới.
Những diễn biến tại Hồng Kông có thể làm lung lay vị thế của trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố này, sự kiện Brexit có tác động không nhỏ đến vị trí của Trung tâm tài chính Luân-đôn vốn đã có lịch sử phát triển hàng thế kỷ. Đây sẽ là cơ hội cho nhiều trung tâm khác tiếp nhận nguồn lực tài chính và nhân lực dịch chuyển từ Hồng Kông và Luân-đôn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Tận dụng được cơ hội này, Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh có thể nhanh chóng vượt lên để trở thành một trung tâm tài chính mới của khu vực và thế giới.
Năm 2018: The Economist đánh giá Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm thành phố có chất lượng sống được cải thiện nhanh nhất
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang ngày càng thăng hạng trong danh sách các địa điểm được đông đảo lực lượng lao động quốc tế lựa chọn để sống và làm việc. Theo khảo sát gần đây của InterNations, Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài. Năm 2018, theo đánh giá của tạp chí The Economist, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm thành phố có chất lượng sống được cải thiện nhanh nhất. Đó là lý do giải thích việc ngày càng nhiều lao động chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực ngành tài chính, đã lựa chọn thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến cho cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để có thể thu hút được các nhân tài, đặc biệt là nhân tài ngành tài chính, đang làm việc tại các trung tâm tài chính Hồng Kông hay Luân-đôn có thể di chuyển đến sống và làm việc tại Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh thì bản thân trung tâm tài chính không những phải là một trung tâm hiện đại nhất, hạ tầng tốt nhất, kết nối rộng nhất mà còn phải trở thành một thành phố hấp dẫn nhất, có cuộc sống chất lượng nhất, môi trường sống và môi trường sinh thái an toàn, ổn định, các dịch vụ xã hội chất lượng cao được bảo đảm. Nếu chúng ta có tầm nhìn chiến lược, có bước đi cụ thể, vững chắc, tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn làm được điều đó.
Việt Nam là quốc gia mới nổi, đi sau các quốc gia phát triển đã có sẵn các trung tâm tài chính quốc tế. Chính vì lẽ đó, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần phải hướng tới xây dựng một trung tâm tài chính có tính cạnh tranh cao, vượt trội, bám sát 05 yếu tố then chốt là: Bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tốt; Thu hút và phát triển được nguồn nhân lực ngành tài chính chất lượng cao; Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế; Phát triển khu vực tài chính của quốc gia và thành phố lành mạnh, vững chắc; Xây dựng được thương hiệu và danh tiếng tốt.
Để Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh được với các trung tâm tài chính thế giới và khu vực, Thành phố sẽ làm được những điều khác biệt, tạo điểm nhấn đặc biệt về hạ tầng và công nghệ, tận dụng được lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tài chính Fintech, ngân hàng số, nắm bắt được cơ hội từ những biến động trên thị trường tài chính khu vực và thế giới; phát huy được thế mạnh về nhân lực chất lượng cao của Thành phố kết hợp với thu hút nhân tài ngành tài chính từ các trung tâm tài chính quốc tế khác; cải thiện căn bản chất lượng hạ tầng đô thị, nhất là khắc phục được những nút thắt, trở ngại về môi trường đô thị, ùn tắc giao thông, ngập úng...
Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là việc xây dựng một trung tâm đơn lẻ với hoạt động nghiệp vụ tài chính trong phạm vi địa lý nhỏ hẹp theo cách hiểu thông thường. Đó còn là việc hình thành một thành phố tài chính với hệ sinh thái đầy đủ nơi có các hoạt động nghiệp vụ chính trong ngành, các dịch vụ phụ trợ cho ngành tài chính, cũng như những hoạt động, hạ tầng và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của nguồn nhân lực cao, những người lựa chọn nơi đây để sống và làm việc như cách mà Xinh-ga-po hay Hồng Kông hay Luân Đôn hay New York đã làm. Do vậy, thành phố tài chính Hồ Chí Minh kết hợp và liên kết với thành phố hàng không Long Thành, tạo thành đòn bẩy mới, đưa thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận phát triển lên một tầm cao mới, đóng một vai trò ngày càng quan trọng và rõ nét hơn đối với nền kinh tế trong nước và xa hơn là nền kinh tế toàn cầu.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành cũng như của chính quyền Thành phố, sự ủng hộ của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như sự hiện diện của ngày càng nhiều nhân tài chất lượng cao, trong một tương lai không xa, những ý tưởng đã được thai nghén bấy lâu nay sẽ dần dần trở thành hiện thực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư