(MPI) - Ngày 15/10/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm Chính sách về mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp tại Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển và các chuyên gia kinh tế và tư vấn quốc tế…
|
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hoa Cương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoa Cương cho biết, mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp (IB) là một chính sách quan trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Cục Phát triển doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 5/2019 cam kết hợp tác với Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Mạng lưới hành động hướng tới doanh nghiệp thu nhập thấp (iBAN) tham gia vào nghiên cứu toàn diện và tìm ra các khuyến nghị chiến lược để thúc đẩy mô hình kinh doanh IB tại Việt Nam.
Nghiên cứu đưa ra dẫn chứng về các khoảng đầu tư của doanh nghiệp thu nhập thấp cũng như đề xuất các phương án hỗ trợ người có thu nhập thấp ở Việt Nam. Chính phủ cũng đang trong quá trình thí điểm chứng nhận các doanh nghiệp thu nhập thấp cấp quốc gia và khu vực nhằm xây dựng thương hiệu tốt hơn, đồng thời hướng tới các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Giới thiệu về IB, khái niệm về nhận diện IB và trình bày các kết quả nghiên cứu về thị trường IB tại Việt Nam và môi trường phát triển IB, Tiến sỹ Armin Bauer, Tư vấn ESCAP cho biết, IB là những ngành kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, cung cấp các giải pháp mang tính hệ thống, sáng tạo và có khả năng nhân rộng để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người nghèo và người thu nhập thấp (chiếm khoảng 40% xã hội).
Các công ty thuộc khu vực tư nhân với ngành nghề kinh doanh IB cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp và giá cả phải chăng hoặc tạo cơ hội thu nhập được trả lương cao cho những người dân ở khu đáy trong kim tự tháp kinh tế (BOP). IB khuyến khích người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị chuỗi giá trị của doanh nghiệp với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ, khách hàng hoặc cổ đông.
Khác với NGO và các doanh nghiệp xã hội và các mô hình trách nhiệm xã hội hoặc từ thiện, IB không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh, mà dùng lợi nhuận để tạo ra tác động đến xã hội và ngược lại. Khung G20 về Mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp đã phân biệt giữa các mô hình IB, các sáng kiến IB (dành cho các doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận theo quy mô) và các hoạt động IB (chiến lược CSR được sử dụng để phát triển các mô hình IB).
Vì vậy, IB sẽ đem lại cho chính người nghèo cơ hội được trả thu nhập cao và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ và hàng hóa có liên quan, cho các doanh nghiệp đầu tư mới và cơ hội lợi nhuận và cho xã hội nền kinh tế bao trùm hơn. IB cung cấp cơ hội thu nhập và hàng hóa và dịch vụ có liên quan cho người nghèo và người thu nhập thấp với cách tiếp cận đầu tư thương mại bền vững, không ảnh hưởng đến tác động xã hội đối với lợi nhuận kinh doanh, nó tạo ra ba lợi ích cho người nghèo, doanh nghiệp, xã hội và chính phủ. Do đó, các chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy IB như là một phần của chính sách công nghiệp và phát triển.
Đánh giá chung về mô hình kinh doanh hướng tới người có thu nhập thấp, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, mô hình kinh doanh IB tại Liên hợp quốc đã triển khai ở một số nước đang phát triển và có hiệu quả giúp cho các quốc gia từng bước xóa đói giảm nghèo thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đây là mục tiêu quan trọng mà Liên hợp quốc hướng tới.
Phân tích một số nguyên nhân của chương trình hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp nhưng chưa thành công ở Việt Nam, về một số dự án của quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam đã không đạt được thành công như mong đợi trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Bích Hường đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Như là sự điều phối chưa nhất quán, một dự án thường có nhiều bên tham gia, các tiêu chí không cụ thể, thiếu thống nhất, nhân sự thường thay đổi, thiếu chính sách cụ thể, công tác truyền thông chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho doanh nghiệp còn chưa tích cực. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chưa đáng tin cậy và lựa chọn đối tượng khảo sát thực tế giai đoạn tiền dự án chưa chuẩn.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Trên cơ sở cùng thống nhất những nhận định đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trao đổi với các chuyên gia tư vấn, qua các buổi Hội thảo, Tọa đàm... Từ đó, nhận diện một cách rõ ràng sâu sắc hơn về mô hình kinh doanh IB. Đồng thời các doanh nghiệp có thể chia sẻ những khó khăn đề xuất để dự án thiết thực đi vào cuộc sống và có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, IB khác với doanh nghiệp sử dụng giá rẻ ở Việt Nam, IB mang lại lợi ích cho người nghèo, cho doanh nghiệp và cho xã hội cụ thể là các doanh nghiệp mang lại lợi ích, IB mang lại cho doanh nghiệp cơ hội được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị minh bạch và phát triển bền vững.
Để mô hình kinh doanh IB thuận lợi trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, chủ doanh nghiệp có nhận thức tốt về kinh doanh hòa nhập, hỗ trợ người có thu nhập thấp, doanh nghiệp có sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, thương mại... như ngành nghề chế biến thủy hải sản rất có tiềm năng… phù hợp để thu hút người lao động là người có thu nhập thấp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần có đề án nhằm mở rộng kinh doanh, thu hút người lao động có thu nhập thấp, có mục tiêu rõ ràng và các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt. Trong quá trình triển khai IB, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất phương án hoàn thiện bộ tiêu chí, triển khai mô hình thí điểm tại Việt Nam, tìm ra doanh nghiệp có tiềm năng, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, thẩm định doanh nghiệp, đánh giá doanh nghiệp, đề án kinh doanh IB của từng doanh nghiệp…
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã trình bày một số kết quả nghiên cứu ban đầu của nhóm chuyên gia UNESCAP về thực trạng mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp (IB) tại Việt Nam, các chính sách đẩy mạnh IB, các đề xuất để đạt được sự hỗ trợ của IB. Đồng thời, cùng nhau thảo luận về các khuyến nghị liên quan đến chính sách về tạo môi trường thuận lợi đối với các doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp thiết thực, giải quyết những thách thức mà người nghèo và người thu nhập thấp phải đối mặt ở Việt Nam. Việc khảo sát mô hình kinh doanh cũng như tập trung vào kiểm định doanh nghiệp hướng tới người thu nhập thấp trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả tích cực./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư