(MPI) – Ngày 17/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1408/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống. Ảnh: MPI |
Ngân hàng Chính sách xã hộiđược thành lập nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động củaNgân hàng Chính sách xã hộikhông vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.
Ngân hàng Chính sách xã hộiđược thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nướcđầu tưcho các chương trìnhdự ánphát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…
Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách phát triển, đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến ngày 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng (+6,2%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%).
Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.
Doanh số cho vay trong 9 tháng năm 2019 đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động, trong đó hơn 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hơn 12 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng hơn 1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng trên 12 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống…/.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư