(MPI) – Ngày 19/10/2019 tại tỉnh Nam Định đã diễn ra Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống tham dự Hội nghị.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Xác định Chương trình MTQG xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình mới, trong giai đoạn 1 đã phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế, song quá trình triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước từ 2016 đến nay, Chương trình đã thực sự trở thành một Phong trào có ý nghĩa nhân văn được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là ở vùng nông thôn.
Cụ thể, hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Hơn nữa, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành trong giai đoạn 2016-2020 không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn trao quyền chủ động hơn cho địa phương và kịp thời đáp ứng những yêu cầu mới trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.
Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình ở địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn; nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển và nhân rộng đã đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình: Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; mô hình HTX kiểu mới phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, môi trường và văn hóa cộng đồng,... đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện. NTM đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành như Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Trà Vinh,…; từng bước hình thành rõ nét các các mô hình NTM đặc thù: NTM gắn với đô thị hóa vùng ven đô, NTM vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, NTM gắn với công nghiệp hoá, NTM vùng khó khăn.
Đây là Chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, chất lượng. Năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng NTM các cấp đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo có hiệu quả và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, nhất là trong việc xây dựng dự án, lập kế hoạch, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn.
Chủ trương, chính sách xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Mặt trân Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng tiên phong với nhiều phong trào, hội thi, cuộc vận động; các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đóng góp nguồn lực to lớn về cung ứng vốn, phát triển hạ tầng, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan truyền thông nhanh chóng, kịp thời nêu gương những điển hình tiêu biểu về NTM cũng như những vấn đề tồn tại, phát sinh ở các địa phương; đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng dân cư nông thôn, những người đóng vai trò là chủ thể của xây dựng NTM. Trong xây dựng NTM, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được quán triệt sâu sắc tới mọi địa phương, được thể hiện và thực hiện thông qua vai trò tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án NTM, tham gia góp công, góp của, thực hiện giám sát và cho ý kiến về sự hài lòng đối với kết quả xây dựng NTM. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội .
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền, cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng (84,86%), Đông Nam Bộ (71,91%) thì Miền núi phía Bắc (28,60%), Tây Nguyên (37,73%), Đồng bằng sông Cửu Long (45,49%), Duyên hải Nam Trung Bộ (45,85%). Trong khi cả nước đã có đến 08 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM và một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp dưới 20% như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum.
Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số nơi xuất hiện tình trạng bê tông hoá nông thôn. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước đã có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa chặt chẽ. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã gắn các tiêu chí, nội dung thực hiện với hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng các cơ chế, chính sách thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm được ban hành, kéo theo kết quả thực hiện các tiêu chí NTM về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất đạt kết quả chưa cao; thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh, dần thu hẹp với khoảng cách so với đô thị nhưng chưa thực sự đột phá ...
Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Nhiều xã ở các khu vực khó khăn đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn, làm điển hình cho các xã khác học hỏi và làm theo. Tuy nhiên, chất lượng đạt chuẩn chỉ ở mức “chạm ngưỡng”.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Xây dựng nông thôn mới đảm bảo “Hiệu quả, Toàn diện và Bền vững”
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng NTM đảm bảo “Hiệu quả, Toàn diện và Bền vững”. Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 trở thành một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở tất cả các cấp. Những kết quả tích cực của giai đoạn 2010-2020 cần tiếp tục được phát huy và nhân rộng trên toàn quốc, khắc phục triệt để những yếu kém còn tồn tại, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa nông thôn và đô thị, kết nối đồng bộ nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường nông thôn.
Xây dựng NTM để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trong đó, có ít nhất 10% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và kiểu mẫu. 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM áp dụng đối với cấp thôn theo quy định. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo xác định 04 nhóm nhiệm vụ. Một là, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Hai là, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền. Ba là, bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Bốn là, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn; thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành và vượt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã giao trong giai đoạn 2016-2020; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Rà soát, cập nhật và ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM (cấp thôn, bản, xã, huyện) phù hợp với từng giai đoạn. Ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn bản) và phù hợp với từng nhóm địa phương (phấn đấu đạt chuẩn, đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt kiểu mẫu); ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở khung cơ chế, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế, các địa phương cần chủ động nghiên cứu, vận dụng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM: NTM ven đô gắn với đô thị hoá; NTM gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; NTM gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; NTM vùng khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, NTM thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu... Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, đồng thời tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình.
Đổi mới cơ chế đầu tư - động lực thúc đẩy xây dựng thành công nông thôn mới
Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những đóng góp quan trọng, gặt hái những thành quả đáng khích lệ, trong đó nông thôn mới là điểm nhấn làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Từ một nước nông nghiệp có trình độ sản xuất thấp, luôn đối mặt với nỗi ám ảnh thiếu lương thực, thực phẩm trong những ngày "đầu mùa, giáp hạt", hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn yếu kém đến nay sản phẩm của ngành đã rất phong phú, dồi dào, không những thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân mà còn vươn ra thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã từng bước hoàn chỉnh, dù còn nhiều vùng khó khăn nhưng nhìn chung bộ mặt nông thôn đã khang trang, sạch đẹp và dần hình thành những "miền quê đáng sống", dáng dấp của "nông thôn thịnh vượng".
Những thành tựu đó trước hết là do tư duy phát triển đã được đổi mới và sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà trong đó có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành. Những tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần tháo gỡ, xóa bỏ những ách tắc, khó khăn lâu nay làm kìm hãm, hạn chế phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; đồng thời khơi dậy những tiềm năng, động lực phát triển trong cộng đồng cư dân nông thôn.
Các quy chế quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia đã được hoàn thiện, điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn; nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao; Tạo cơ chế minh bạch để thu hút được nhiều nguồn tài trợ từ cộng đồng quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập ở mỗi cấp duy nhất 01 Ban chỉ đạo cho các Chương trình MTQG, duy nhất 01 Ban quản lý cấp xã để tập trung chỉ đạo, thống nhất nguồn lực, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo.
Về cơ chế quản lý nguồn vốn ngân sách trung ương cũng đã thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tăng tính chủ động sáng tạo của địa phương; một số quy định không theo cách quản lý thông thường đối với dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương như không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương, không quản lý theo danh mục chi tết các dự án cụ thể, trung ương chỉ giao tổng số, trao quyền phân bổ chi tiết cho địa phương dựa trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của trung ương.
Nội dung đầu tư cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình, trình độ phát triển nông thôn theo từng thời kỳ. Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường).
Quy trình lập kế hoạch đầu tư công cấp xã thực hiện các Chương trình MTQG có sự tham gia của cộng đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đúng như quan điểm chỉ đạo, định hướng chung của Chính phủ. Đồng thời, cũng đã thể chế được chủ trương tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân trong việc đưa ra quyết định lựa chọn dự án, lập kế hoạch đầu tư công để thực hiện các chương trình MTQG; quy định cụ thể các bước quy trình lập kế hoạch đầu tư công cấp xã theo hướng dân chủ, công khai và minh bạch; Đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực của các cấp, khả năng đóng góp nguồn lực của cộng đồng.
Thứ hai, đã tạo ra được một hệ thống các cơ chế đầu tư đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Ngay từ giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới, một điểm mới trong cơ chế đầu tư là cơ chế giải phóng mặt bằng thông qua vận động, không áp dụng cơ chế đền bù thông thường. Đây là thay đổi có tính chất quyết định trong việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng do việc giải phóng mặt bằng hết sức phức tạp, chi phí rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước và đóng góp của Nhân dân. Xuất phát từ tư duy đây là chương trình của dân, phục vụ Nhân dân nên trong quá trình xây dựng Chương trình và các văn bản hướng dẫn, cơ chế khuyến khích người dân hiến đất đã ra đời. Từ quy định này đã tạo sự đồng thuận và huy động được nguồn lực rất lớn từ Nhân dân.
Giai đoạn 2016-2020, cơ chế đầu tư đặc thù tiếp tục được hoàn thiện thông qua việc ra đời của Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ. Các quy định đặc thù giai đoạn này đã được mở rộng cả về phạm vi và nội dung như áp dụng cả với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, mở rộng về quy mô công trình áp dụng, áp dụng cả công trình liên thôn, công trình do tổ nhóm thợ thực hiện, bổ sung các cơ chế đặc thù so với Luật đầu tư công, Luật đấu thầu…
Việc áp dụng cơ chế đã góp phần giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách, nâng cao chất lượng, tuổi thọ của công trình, từ đó cả nước đã xây dựng được trăm ngàn km đường liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông, thủy lợi nội đồng… với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ bằng khoảng 50-60% so với cách làm thông thường. Đồng thời, chính sách này cũng đóng góp quan trọng trong việc nâng cao trình độ, trách nhiệm của cán bộ cơ sở (xã, thôn) và cộng động đồng dân cư.
Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình đầu tư công thành công nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách, cách thức phát triển nền kinh tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã luôn khẳng định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ to lớn, thực hiện lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Tuy còn đó một số vấn đề tồn tại như môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, an ninh trật tự hay việc tạo thu nhập bền vững cho người dân... nhưng thực tế hiệu quả, sự cần thiết của Chương trình đã được minh chứng qua sự đổi thay từng ngày của nông thôn với sự tham gia nhiệt tình của người dân. Đóng góp trong thành công đó là sự đổi mới, điều chỉnh kịp thời của các cơ chế về đầu tư, trở thành động lực để huy động thành công sự vào cuộc của cả xã hội và những nguồn lực to lớn vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Phát huy kết quả đã đạt được, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về kế hoạch và đầu tư, trong đó có Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành cam kết sẽ kiên định con đường đổi mới, nỗ lực hơn nữa, tham mưu những cơ chế chính sách đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; để xây dựng nông thôn mới không chỉ là một chương trình đầu tư công đơn thuần mà phải trở thành một cuộc vận động sâu rộng, thường xuyên với chủ thể thực hiện là người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, một xã hội nông thôn thịnh vượng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc” là một trong những nội dung của tham luận Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư