Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2019-09:48:00 AM
Đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội
(MPI) - Tham gia thảo luận toàn thể tại Hội trường diễn ra ngày 30/10/2019, các đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ảnh: quochoi.vn

Kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang cho rằng, năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, trong đó với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Đây là những kết quả đáng mừng, quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề vững chắc cho thời kỳ phát triển mới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc cho rằng, từ đầu năm đến nay tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận đến nền kinh tế nước ta. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn lên sản xuất và đời sống, nhưng chúng ta vẫn có một năm thành công, cả 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4% và tăng trưởng đạt mức 6% cho cả năm, trên 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng và chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng đạt được.

Nhưng nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo chúng ta chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc. Theo dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, mức tăng trưởng 6,8% của nền kinh tế có độ mở cao phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu như nước ta thì liệu có khả thi không. Vì vậy, Đại biểu mong muốn Chính phủ cần chuẩn bị một phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra rằng ba năm liên tiếp nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp, nguồn thu được trông đợi nhất của nền kinh tế và cũng là chỉ báo quan trọng nhất thể hiện tính bền vững của ngân sách quốc gia đã không đạt kế hoạch, thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người lao động, doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng.

Cũng liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc đã đề cập đến vấn đề hộ kinh doanh trong nền kinh tế. Hiện có 30% GDP thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, không có một nền kinh tế thị trường nào mà có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên với bên ngoài hộ kinh doanh đang bị hạn chế về quyền kinh doanh, trong nội bộ thì hộ kinh doanh đang thiếu khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia.

Trong thời gian tới, cần có quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế, đồng thời bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và tổ chức phải được quy định bằng văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp nghị định, thông tư như hiện nay.

Kiện toàn lại việc quy hoạch phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và đề cập đến một số vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và đưa ra những giải pháp nhằm phát huy nguồn lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người nông dân. Rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường.

“Cử tri đồng bằng sông Cửu Long hết sức hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 120/NQ-CP). Sau 2 năm triển khai thực hiện, người dân đã từng bước thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong sản xuất và đời sống, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng nặng nề hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu như an ninh, nguồn nước hiện nay bị đe dọa nghiêm trọng. Nước biển dâng, xâm nhập mặn, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông làm cho nhiều con sông bị thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gia tăng nghiêm trọng tình trạng sụt lún, sạt lở, nguồn lợi thủy sản, sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi bị giảm mạnh, đe dọa đến sinh kế và đời sống của hàng chục triệu người dân mà nội lực của các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì không thể giải quyết được. Cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Việc phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long là một yêu cầu cấp bách hiện nay không chỉ cho Vùng mà vì lợi ích chung của cả nước, của tiểu vùng sông Mê Kông và của cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế thì Nghị quyết số 120/NQ-CP đi vào cuộc sống còn chậm. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương kết hợp với địa phương sớm có một Chương trình hành động tổng thể để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời, Đại biểu đề nghị sớm kiện toàn lại việc quy hoạch phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo Luật quy hoạch, làm căn cứ cho địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương mình trên tổng thể chung hài hòa với sự phát triển của cả vùng, xác định rõ sản phẩm chủ lực phù hợp với cấu tạo địa hình của từng nơi, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn mang tính chất chung liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Ban điều phối để thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo liên kết phát triển vùng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, phát huy, khai thác tối đa vị thế của đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Như So bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và đưa ra một số giải pháp thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo. Theo đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân đã được ban hành, từ Nghị quyết số 10-NQ-TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định. Do vậy, trong thời gian tới phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng của nó.

Đồng thời, phải xác định chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Do đó, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là cân bằng căn cơ, bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực, chất lượng gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng, theo quy hoạch của từng ngành nghề địa phương. Nếu không làm tốt vấn đề này, Việt Nam có thể bị bỏ lại trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Đặc biệt, khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc... Do vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, công khai, mời gọi tư nhân tham gia vào các dự án này. Với cơ chế chính sách thân thiện, rõ ràng, cần sớm cho ý kiến thông qua Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm tháo gỡ rào cản bài toán cho đầu tư lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp tư nhân.

Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, kết nối các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thu nhập.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cho thấy một bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Cử tri đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy nhà nước, để có những con số ấn tượng như trong báo cáo đã nêu. Đồng thời nhấn mạnh về vấn đề liên quan đến văn hóa và giáo dục.

Nâng cao công nghệ đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo với khát vọng vươn lên để phát triển bền vững

Đại biểu tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng, Báo cáo cần phân tích, đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện hơn về sự tăng trưởng GDP để nhìn nhận rõ hơn những điểm mạnh, những thách thức của sự phát triển để đặt ra những nỗ lực hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thông thường đánh giá sự phát triển có nhiều cách tiếp cận, trong đó có cách tiếp cận, đánh giá bằng hệ thống các chỉ tiêu như GDP, chỉ số việc làm, chỉ số xóa đói giảm nghèo, chỉ số về môi trường, chỉ số về giáo dục, y tế, ... Cách đánh giá này sẽ đánh giá đầy đủ cả về tốc độ và cả về hiệu quả. Qua Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này và qua theo dõi quá trình phát triển những năm qua cho thấy, không chỉ có chỉ tiêu đạt GDP cao mà còn các chỉ tiêu khác cũng đạt được những kết quả tốt như tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm theo tiếp cận đa chiều của năm 2019 là 3,73 đến 4,23%, giảm 1 đến 1,5% so với năm 2018, hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao ở mức cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tuổi lao động còn khoảng 2,16%.

Trong thời gian tới, phải nâng cao năng suất lao động bằng việc có một nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn, có kỹ năng tốt hơn, làm những ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao hơn. Muốn vậy, không chỉ nâng cao công nghệ đào tạo nhân lực mà còn đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên, như thế sự phát triển mới thực sự bền vững.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm cho rằng, mặc dù kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng, hóa hổ". Cách đây hơn 30 năm khi bắt đầu đổi mới mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người là 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến năm 2017, Việt Nam đạt khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD. Năm 2018 Việt Nam đạt khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn hai năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đó là hơn 8.000 USD và khoảng cách vẫn tăng qua các năm.

Nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong Báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, các nước lớn có thể thỏa hiệp khi đạt được lợi ích mà bỏ qua lợi ích của các nước khác. Giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện, nhưng với nội lực, bối cảnh hiện nay cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cần dành nguồn lực để nâng cao trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được, cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Chương trình làm việc, ngày 31/10/2019, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1532
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)