Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/11/2019-23:44:00 PM
Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet
(MPI) – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 12/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến
chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Kapet. Ảnh:quochoi.vn

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày ngày 24/10/2019, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước mặt hằng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bổ không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của Nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây thanh long về mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pet sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pet nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du sông Cà Ty (giảm lưu lượng đỉnh lũ 320m3/s, giảm mực nước lũ 55cm) đi qua thành phố Phan Thiết đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet. Đồng thời cho rằng, huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc là huyện rất khó khăn, liên quan đến vấn đề nước tưới, nước sinh hoạt và các điều kiện khó khăn của vùng này. Chính vì vậy, quyết định chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet là cần thiết nhằm điều tiết nguồn nước, cụ thể là phòng, chống lũ mùa mưa và cấp nước vào mùa khô hạn, nắng nóng cho huyện Hàm Thuận Nam và khu vực phía Nam của Bình Thuận. Đồng thời, cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp và phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp đối với huyện Hàm Thuận Nam vì khu vực này rất khó khăn về nguồn nước mặt cũng như là nguồn nước ngầm. Góp phần cải thiện môi trường sinh thái cho huyện Hàm Thuận Nam và phát triển du lịch dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu cho rằng, dự án hồ chứa nước Ka Pet là dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, do vậy đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lập thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án nhóm B.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tìm cách tạo nguồn sinh thủy, xây hồ giữ nước, điều hòa nước phục vụ nông nghiệp và đời sống, trong đó có hồ chứa Ka Pet là rất cấp thiết. Đồng thời đề nghị Quốc hội thông qua dự án hồ Ka Pet bởi hiệu quả dự án là đa mục tiêu và được áp dụng cơ chế đặc thù giao cho tỉnh Bình Thuận chủ động tổ chức thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh Bình Thuận phải chịu trách nhiệm toàn diện nhất là về chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án cho phát triển kinh tế - xã hội và môi trường bền vững.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Tống Thanh Bình, với các mục tiêu như Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng hồ chứa nước sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hạn chế tình trạng di cư tự do, tạo ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực này, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực lân cận, phát triển tiềm năng du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận. Đồng thời cho rằng, do dự án có liên quan đến phần diện tích có rừng sản xuất, do vậy đề nghị xem xét, đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân các dân tộc ở đây; đề nghị xem xét giảm thời gian hoàn thành của dự án, đảm bảo hiệu quả công trình được phát huy sớm nhất có thể.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức bày tỏ đồng tình với các nội dung trong Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và cho rằng, việc xây dựng hệ thống các hồ chứa là vấn đề rất cần thiết nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là đảm bảo sinh hoạt cho trung tâm thị trấn Hàm Thuận Nam và cấp nước cho sản xuất cây trồng chủ lực của vùng là cây thanh long vào mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pet sẽ là một trong những công trình quan trọng, có tính quyết định đến bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố Phan Thiết và các vùng Nam Bình Thuận, để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp hiện nay.

Mặt khác, với việc xây dựng hồ chứa nước sẽ có khả năng phòng, chống lũ và cải tạo môi trường hồ chứa nước. Hồ chứa nước Ka Pet được xây dựng sẽ làm giảm lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du Phan Thiết và Hàm Thuận Nam, tăng lưu lượng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện sinh thái và hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Tỉnh về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các luật có liên quan. Dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phù hợp với Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã được phê duyệt và Quy hoạch ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban dân tỉnh phê duyệt.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pet, đồng thời cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện dự án để giảm bớt thủ tục hành chính như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình bày tỏ tán thành cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xây dựng hồ chứa Ka Pet của tỉnh Bình Thuận. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng hồ tích nước sẽ giúp chủ động nước tưới ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên là rất quan trọng và rất cần thiết. Đây là giải pháp tối ưu để chủ động nước tưới cũng như phục vụ sinh hoạt của người dân ở khu vực này. Đại biểu đánh giá cao về nhiệm vụ của dự án giải quyết cơ bản các nhiệm vụ chủ yếu như phục vụ nước tưới cho hơn 7.700 hecta, cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân và phục vụ công nghiệp…

Làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp các ý kiến thảo luận tại Tổ chiều ngày 24/10/2019 cũng như các ý kiến thảo luận tại Hội trường sáng nay cho thấy, hầu hết các đại biểu đều thống nhất tán thành về sự cần thiết đầu tư của Dự án. Sự chuẩn bị Dự án đã tuân thủ các quy định của pháp luật. Các đại biểu cũng bày tỏ tán thành việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng và đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án với quy mô phù hợp. Đồng thời bày tỏ quan điểm đồng ý cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vùng khô hạn bậc nhất của cả nước, kéo dài từ Duyên hải Trung Bộ cho đến cực Nam Trung Bộ, trong đó Bình Thuận, Ninh Thuận là hai tỉnh cực Nam của Nam Trung Bộ, là hai tỉnh chịu khô hạn nhất cả nước. Do vậy, việc đầu tư các hồ này là hết sức cần thiết và hết sức quan trọng để vừa đảm bảo mục tiêu cắt lũ khi mùa lũ về, phải trữ được nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đây là hai yếu tố hết sức quan trọng đối với hai tỉnh này, cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung.

Về một số ý kiến đang còn băn khoăn về địa điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, địa điểm của dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, xác định đây là giải pháp khả thi nhất. Đồng thời đã tính đến dung tích lòng hồ và các diện tích rừng phải chuyển đổi, chi phí đầu tư, hiệu quả dự án, đánh giá tác động đã tính toán thật kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ một số vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến giá trị của rừng đặc dụng, trồng rừng thay thế và cho biết, việc đánh giá hiệu quả dự án so sánh với diện tích rừng phải chuyển đổi thì đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu. Số dân được hưởng lợi rất lớn với 12 nghìn hộ dân, chiếm 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có 820 hộ dân tộc thiểu số và tổng số người dân được hưởng lợi là 120 nghìn, trong đó có 60 nghìn dân của thành phố Phan Thiết. Đây là công trình có hiệu quả rất tốt.

Về thời gian thực hiện, theo tính toán hiện nay là 5 năm nhưng nhiều đại biểu cho rằng thời gian này quá dài và nên tính toán giảm thời gian thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là ý kiến rất xác đáng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để tập trung bố trí đủ nguồn lực, tổ chức triển khai xây dựng nhanh và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả của công trình này.

Việc giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật đầu tư công, sau khi dự án quan trọng quốc gia được quyết định chủ trương đầu tư thì giao lại cho Thủ tướng Chính phủ để lập thẩm định và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đây là một dự án có quy mô nhỏ, thuộc nhóm B, hạng mục xây dựng công trình cấp II và đã có phương án trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, Bình Thuận là Tỉnh đã có kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các công trình, dự án thủy lợi tương tự như thế này. Mặt khác, pháp luật về nông, lâm nghiệp cũng không có những điều cấm hay có những quy định riêng. Do vậy, việc giao lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập thẩm định và phê duyệt sẽ thuận lợi và nhanh hơn, đáp ứng được hiệu quả.

“Còn một số ý kiến khác trong dự thảo Nghị quyết, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rà soát và chỉnh sửa để phù hợp với các pháp luật liên quan cũng như phù hợp với các quy định của Luật đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến đều đồng tình với chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ có báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3300
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)