(MPI) – Ngày 13/11/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo Các quan điểm và mục tiêu phát triển trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tham dự Hội thảo có đại diện của các đơn vị trực tiếp liên quan đến chủ đề của Hội thảo và đại diện thường trực Tổ Biên tập, thành viên hội đồng lý luận Trung ương, Tổ Biên tập Văn kiện và một số chuyên gia.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Tiểu Ban, Tổ Biên tập đã làm việc với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể để cùng tham gia xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới, đặc biệt, cần phải có cách tiếp cận mới. Tiểu Ban cũng như Tổ Biên tập nhận thấy đây là thời điểm hết sức quan trọng đối với đất nước, là dịp để thực hiện tổng kết, đánh giá một cách tỉ mỉ, thận trọng nhằm đưa ra con đường đi, bước phát triển mới mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản để phát triển nhanh, bền vững hơn, nâng cao tính độc lập, tự chủ nhiều hơn cũng như nâng cao tính chống chịu và thích ứng. Trước yêu cầu và đòi hỏi đặt ra như vậy, việc tham gia ý kiến của các bộ, ngành, địa phương các viện, trường đại học, các cơ quan, các tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học, là rất cần thiết.
Do vậy, để thực hiện 42 nhóm chuyên đề của Dự thảo, song song với việc Tiểu Ban, Tổ Biên tập nghiên cứu thực hiện thì UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm - Khoa học xã hội Việt Nam được giao nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu các quan điểm phát triển của Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan này đã nghiên cứu độc lập và đưa ra sản phẩm của mình.
Hội nghị Trung ương 10 khóa XII đã thông qua đề cương chi tiết và Hội nghị Trung ương 11 đã thông qua dự thảo bước đầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Cơ bản Hội nghị đã đồng ý với nội dung của các Dự thảo và cho rằng, các Dự thảo đã chắt lọc, phản ánh được kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Các nội dung bám sát với thực tế, có nhiều phát hiện, đề xuất mới. Đồng thời, gợi mở nhiều ý kiến quan trọng, nhất là những vấn đề lớn và những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc các ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia từ nay đến khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan được giao thực hiện chuyên đề đã Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, từ đó đưa ra các phát hiện, cơ sở luận cứ, đề xuất kiến nghị, các quan điểm và mục tiêu phát triển trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến mục tiêu phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là mục tiêu đúng đắn và phù hợp, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa được mục tiêu mới là quan trọng. Trong thời giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện các mục tiêu dựa trên khoa học thực tiễn, nâng cấp chuỗi giá trị và nâng cấp các ngành để tham gia được vào chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự thịnh vượng. Để tham gia vào chuỗi giá trị, ngoài việc nâng cao khoa học công nghệ cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, chúng ta phải xác định đúng đắn và tập trung thực hiện những khâu đột phá, then chốt, động lực cho tăng trưởng và phát triển. Giải quyết hài hòa các quan hệ giữa ổn định và tăng trưởng kinh tế, giữa quy mô, tốc độ với chất lượng tăng trưởng. Chú trọng phát huy nội lực và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Phát huy lợi thế về con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Thực thi các chính sách, chiến lược một cách tương xứng…
Đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam còn chậm, các nền tảng cho tăng trưởng dài hạn yếu làm cho tăng trưởng thấp. Vẫn còn sự chênh lệch phát triển giữa các dân tộc, vùng miền. Tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế… Quan điểm, mục tiêu phát triển trong thời gian tới là tiếp tục phát triển bền vững, đi đôi với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau nhưng vẫn phải bảo đảm được các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống vì mục tiêu phát triển con người. Đồng thời, phải có bứt phá trong giai đoạn tới dựa vào đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế về cơ cấu dân số vàng. Theo đó, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ưu tiên nhiều hơn cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân; hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp;… Đặc biệt, bên cạnh tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược về kinh tế, xã hội, môi trường cần bổ sung đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái cũng đưa ra những đánh giá về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, đưa ra các quan điểm và mục tiêu phát triển trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 nhằm hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển hiện đại. Muốn vậy, chúng ta phải chủ động phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại để tiến kịp và vượt lên. Điều quan trọng nhất là phải đồng lòng, hợp sức vì sự thịnh vượng vững bền của đất nước, vươn mạnh lên hàng đầu của khu vực và thế giới.
Trình bày về các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Trưởng Ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Trường cho biết, cách tiếp cận xây dựng Chiến lược giai đoạn tới là tập trung đánh giá quan điểm phát triển của chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện các nhiệm vụ phát triển theo quan điểm này để xác định các nội dung cần kế thừa. Đồng thời, đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xác định những nội dung cần phải điều chỉnh, bổ sung. Từ đó, đưa ra sáu kiến nghị các quan điểm phát triển của Chiến lược thời kỳ 2021 - 2030 gồm: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lấy con người làm trung tâm và xác định con người là nguồn lực phát triển quan trọng nhất; phát triển lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng nhất; gắn kết chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm độc lập, tự chủ; xây dựng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển ngắn hạn đi đôi với đột phá tư duy, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các nội dung chuyên đề và cho rằng, các chuyên đề có cách tiếp cận phù hợp với quan điểm của Tổ Biên tập. Đồng thời phân tích, làm rõ một số nội dung được các đại biểu đề cập. Theo đó, về phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tạo sự liên kết để mang lại giá trị cao hơn là vấn đề khó. Đây cũng là vấn đề được đề cập rất nhiều, nhưng đến nay công nghiệp hỗ trợ phát triển vẫn chậm, các ngành công nghiệp cốt lõi đi theo hướng công nghiệp hiện đại đã được định hình nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mực. Bên cạnh đó, việc tham gia, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn còn hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề cốt lõi phải xuất phát từ công nghệ, chủ yếu chúng ta không nắm được công nghệ, kể cả công nghệ nguồn, công nghệ sáng tạo…
Về vấn đề khoa học công nghệ, giá trị văn hóa và yếu tố con người, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề mang tính then chốt, chìa khóa để tạo lực đẩy cho Việt Nam. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, Việt Nam sẽ chuyển vào già hóa dân số vào năm 2030 - 2035 và nếu chúng ta không tận dụng được lợi thế con người, không khai thác được lợi thế dân số vàng thì sẽ chuyển sang giai đoạn già hóa, thách thức mới khó khăn hơn. Muốn tận dụng được điều này, chúng ta phải đào tạo nhân lực, nâng cấp tất cả các hệ thống đào tạo từ các cấp chứ không chỉ chú trọng vào đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tận dụng các nhân tài, trí tuệ người Việt ở khắp nơi trên thế giới để tạo được mạng lưới liên kết nhằm đóng góp, tạo đột phá trong phát triển đất nước.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để chúng ta định đoạt tương lai của đất nước một cách chủ động hơn, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới theo tầm vóc, vị thế và kế thừa kết quả hơn 30 năm đổi mới với những thành tựu, cơ hội cũng như thách thức trước mắt,… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chúng ta đã có định hướng chính sách rất rõ nhưng quan trọng là vấn đề thực hiện.
Về phát triển vùng miền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, còn thiếu sự liên kết phát triển giữa các tỉnh, các vùng và chưa có cơ chế Hội đồng vùng. Hiện nay, phương án phân vùng thành 6 vùng kinh tế - xã hội và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế so với bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực. Trên cơ sở đánh giá thực tế phân vùng trong các thời kỳ đã qua, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phân tích bối cảnh phát triển mới, cụ thể hóa định nghĩa về vùng trong Luật quy hoạch thành các tiêu chí, tiến hành phân tích lãnh thổ trên phạm vi toàn quốc theo các tiêu chí, đánh giá tổng hợp so sánh các phương án phân vùng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phương án phân lại các vùng. Điều này nhằm khắc phục được hạn chế vùng hiện tại, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế.
Về vấn đề thực thi các chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta có rất nhiều Nghị quyết, Chiến lược nhưng thực tế việc triển khai chưa tương xứng với mục tiêu các chiến lược đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến vấn đề tư duy và tầm nhìn để đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải có khát vọng, phải hành động hiệu quả. Chúng ta phải có tư duy táo bạo, phải có tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh tập trung vào thể chế, hạ tầng, phải tập trung vào công nghệ, con người để làm sao khai thông được giá trị văn hóa, con người. Đặc biệt, phải thay đổi cách tiếp cận để hiện thực hóa được các chủ trương, chính sách là điều rất quan trọng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư