Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/11/2019-17:28:00 PM
Doanh nghiệp Đức cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 26/11/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng làm việc với nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Roesler Tham dự buổi làm việc có đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam và Lãnh đạo của 16 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương (OAV).

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng hoan nghênh ông Philipp Roesler và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức và mong muốn cá nhân ông Philipp Roesler cùng các thành viên trong Đoàn có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, qua đó nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Roeslercảm ơn Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã dành thời gian đón tiếp Đoàn và bày tỏ vui mừng khi được đến thăm, làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời cho biết, tham gia Đoàn công tác lần này có đại diện các doanh nghiệp lớn của Đức, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã hoạt động thành công và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Trong một tuần làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, các doanh nghiệp Đức đã có dịp làm việc với nhiều đối tác của Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp Đức đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra kế hoạch, cơ hội hợp tác, đầu tư, đồng thời bày tỏ ấn tượng về cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp lần đầu đến Việt Nam mong muốn được cung cấp nhiều hơn các thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và cho rằng, sau một tuần công tác tại Việt Nam các doanh nghiệp Đức đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội, tiềm năng đầu tư tại đây. Các doanh nghiệp Đức đã hoàn toàn bị “thuyết phục” và cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thương mại, đầu tư nhằm quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tại châu Âu cũng như tại Đức. Qua đó nhằm tăng cường thu hút đầu tư và quan trọng nhất là để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư Đức. Đồng thời mong muốn đẩy mạnh các nội dung hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam… để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam hai nước.

“Chúng tôi rất quan tâm đến các cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức. Đây là những công ty có quy mô nhỏ nhưng nắm giữ nhiều công nghệ và họ rất quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam”, ông Philipp Roesler nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực bảo hiểm, in ấn, kiến trúc, luật, công nghệ giao thông, ô tô,… đã giới thiệu về tình hình hoạt động kinh doanh của mình và mong muốn được tìm hiểu, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cung cấp thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam được xem là nền kinh tế mở trong khu vực và thế giới, với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Việt Nam đã có hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới đều có hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Qua hơn 30 năm thu hút FDI, kinh tế Việt Nam đã đạt được tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có ảnh hưởng liên quan đến bẫy thu nhập trung bình, tác động của biến đổi khí hậu,… Do vậy, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam xác định tập trung tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới phương pháp phát triển nhằm đảm bảo xây dựng đất nước giàu mạnh không những về kinh tế mà còn bền vững về môi trường, tự nhiên. Việt Nam đang tập trung thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là hạ tầng các đô thị lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng và ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và ông Philipp Roesler tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, để thực hiện được các mục tiêu trên, Việt Nam cần tiếp tục có sự hợp tác với Chính phủ, các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam chú trọng thu hút các dự án FDI không chỉ về mặt vốn mà tập trung vào công nghệ, kỹ thuật cũng như những tiến bộ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó quy định rõ việc chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới được xây dựng trên cơ sở Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đang sửa đổi các bộ luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật xây dựng… nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn. Đồng thời cho biết, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của WEF, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67/144, tăng 10 bậc và 3,5 điểm, một trong những nước tiến bộ nhất trên thế giới trong năm 2019. Trong thời gian tới, Việt Nam nỗ lực cải cách hơn nữa để đạt mục tiêu thăng hạng cao hơn so với vị trí đã đạt được.

Tại buổi làm việc, hai bên đều đánh giá mối quan hệ Việt Nam - Đức đang phát triển rất tốt đẹp, đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động chuẩn bị Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, qua đó thúc đẩy hợp tác hai nước lên tầm cao mới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2398
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)