Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/11/2019-17:05:00 PM
Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét
(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, khóa XIV, chiều ngày 26/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với 448/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,75%).
Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ (ngày 24/10/2019), thảo luận tại Hội trường (ngày 12/11/2019) về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Về cơ bản, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết, chủ trương đầu tư Dự án như Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và dự thảo Nghị quyết.

Huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước mặt hằng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bổ không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của Nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây thanh long về mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pét nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, một trong những vùng khô hạn, thường xuyên xảy ra hạn hán nhất của tỉnh Bình Thuận và cả nước. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; nước cho sinh hoạt của người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du sông Cà Ty (giảm lưu lượng đỉnh lũ 320m3/s, giảm mực nước lũ 55cm) đi qua thành phố Phan Thiết đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là công trình thủy lợi đa mục tiêu, được xây dựng trên địa bàn thường xuyên bị khô hạn sẽ góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho sinh hoạt cho trên 12.000 hộ dân và khu công nghiệp, góp phần thoát lũ nên sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân, hạn chế tình trạng di dân tự do.

Qua phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường của Dự án thì hiệu quả mang lại của Dự án là rất lớn (hiệu quả kinh tế thể hiện qua các chỉ số về kinh tế NPV=651.233 triệu đồng, EIRR =23%, B/C= 2,11); nhờ có nước nên thảm thực vật xung quanh vùng hồ sẽ được cải thiện, tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi trồng thuỷ sản. Hơn nữa, hiệu quả cắt giảm lũ của công trình hồ chứa cũng rất cao, tạo môi trường tốt cho vùng hạ lưu an toàn trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương nên việc đầu tư xây dựng Dự án là cần thiết cho phát triển bền vững khu vực này.

Về tuổi thọ công trình, độ bồi lắng lòng hồ, việc trữ nước của Hồ có ảnh hưởng tới lượng nước của đập thủy điện phía hạ nguồn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tuổi thọ công trình, độ bồi lắng lòng hồ đã được tính toán kỹ lưỡng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04-05:2012/BNNPTNT Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về thiết kế, trong đó hồ chứa của dự án thuộc công trình cấp II, có thời gian bồi lắng tính toán là 75 năm, tuổi thọ công trình tối thiểu là 75 năm. Dự án cũng không làm ảnh hưởng đến việc trữ nước của các đập thủy điện vì cả hiện tại và theo quy hoạch không có hồ, đập thủy điện ở phía hạ nguồn.

Về tính khả thi của Dự án, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Dự án tuy có tổng mức đầu tư và quy mô không lớn nhưng liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế nên thời gian thực hiện Dự án từ 2019 - 2024 là phù hợp vì cần thời gian để triển khai các hạng mục của Dự án như: đấu thầu khai thác tận thu lâm sản trong lòng hồ; 04 năm trồng và nghiệm thu rừng thay thế với diện tích 1.941,69ha; xây dựng 02 hệ thống kênh cho khu tưới Hàm Cần và khu tưới Mỹ Thạnh. Do vậy, thời gian thực hiện Dự án là 05 năm là phù hợp với thực tế./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1048
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)