Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2019-16:47:00 PM
Họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 25/11/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập.
Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban soạn thảo Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Khoản 3 Điều 4, 5 Luật Thủ đô quy định rõ Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Thủ đô phải có trách nhiệm chủ động phối hợp và hỗ trợ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác phát triển. Tại Khoản 1 Điều 23 quy định Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban soạn thảo Trần Duy Đông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 về Thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015 về Thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 về quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, ngày 06/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020.

Ngày 06/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg về quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy định trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, các tỉnh trong Vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn Vùng.

Tại Quyết định số 373/QĐ-TTg, ngày 05/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ tại kế hoạch xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển Thủ đô ban hành kèm theo Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đấu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng Thủ đô.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết thêm, thực hiện Quyết định số 670/QĐ-BKHĐT ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, trong đó có chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của Vùng. Đến nay, Dự thảo đề cương Nghị định đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, đây là cuộc họp đầu tiên để lấy ý kiến góp ý. Vụ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu, thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập tập trung trao đổi, góp ý thẳng thắn về các vấn đề được xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ theo đúng quy định.

Trình bày tóm tắt về dự thảo đề cương Nghị định, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Lê Thị Tường Thu cho biết, Nghị định quy định vị trí, vai trò của vùng Thủ đô, trong đó Hà Nội là trung tâm động lực chính, cơ chế, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đồng thời, quy định về điều kiện đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Thủ đô theo sự liên kết, lan tỏa và quản lý nhà nước về sự phối hợp giữa các địa phương trong quá trình kết nối. Nghị định áp dụng đối với các địa phương thuộc vùng Thủ đô gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn Vùng.

Nghị định nhằm mục đích khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô và của từng địa phương trong Vùng để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, xây dựng Thủ đô Hà Nội và vùng Thủ đô thành đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các địa phương trong Vùng phối hợp theo nguyên tắc thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực hiện phối hợp liên kết Vùng. Bảo đảm thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn Vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện theo thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án liên kết, bảo đảm phù hợp với nguồn lực và điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của các địa phương trong Vùng và của toàn Vùng. Khuyến kích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phát huy vai trò liên kết công - tư.

Lấy thành phố Hà Nội là trung tâm trong việc kết nối, liên kết, hợp tác trong Vùng và tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ toàn Vùng. Hợp tác giữa các địa phương trong Vùng và các địa phương lân cận xây dựng các công trình liên tỉnh, quy mô vùng (các trục giao thông, công trình thủy lợi lớn, khu xử lý chất thải nguy hại, các chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao…).

Huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế về các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn. Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp của từng Bộ, cơ quan, địa phương và các tổ chức liên quan trong việc thực hiện phối hợp liên kết vùng Thủ đô.

Về nội dung và cơ chế phối hợp, theo dự thảo đề cương Nghị định, xây dựng 02 phương án phối hợp. Phương án 01, xây dựng cơ chế phối hợp theo toàn bộ các nội dung quy định tại Luật Thủ đô, gồm 12 lĩnh vực. Theo đó, phương án này cần cơ chế phối hợp toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, một số lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến sự phối hợp, liên kết giữa các tỉnh mà chỉ thực hiện tại Thủ đô Hà Nội như bảo tồn văn hóa, tài nguyên, nhà ở, đất đai, kiến trúc, cảnh quan…

Phương án 02, xây dựng cơ chế phối hợp theo các nội dung được quy định tại Luật Thủ đô mang tính liên kết từ 02 địa phương trở lên trong vùng Thủ đô, trong đó tập trung vào 06 lĩnh vực, đảm bảo thực hiện hiệu quả và phải có sự liên kết thực sự giữa các địa phương trong Vùng.

Về chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng Thủ đô, cần xác định các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của Vùng gồm 02 phương án. Thứ nhất, các dự án giao thông đầu mối, dự án kết nối liên tỉnh, liên vùng của địa phương, đường giao thông kết nối với đường cao tốc, quốc lộ, Khu kinh tế (bao gồm cả khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao), cảng biển, cảng hàng không. Các dự án thủy lợi, đê kè có quy mô lớn, tác động lan tỏa rộng. Cơ sở vật chất và hạ tầng thiết yếu của các trường đại học công lập, khu đại học công lập, các cơ sở y tế di dời theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thứ hai, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư lấy theo Phụ lục kèm theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy định việc rà soát, lựa chọn một số dự án và cập nhật trong từng thời kỳ.

Trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn từng thời kỳ, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô đề xuất hỗ trợ cho một số dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về nguồn lực đầu tư, bao gồm: Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; Nguồn vốn vay ODA; Nguồn vốn PPP và nguồn vốn tư nhân.

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung và đánh giá cao Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng dự thảo đề cương Nghị định. Đồng thời, tập trung thảo luận về một số vấn đề liên quan đến nội dung, cơ chế phối hợp cũng như về chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm… để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Ban Soạn thảo, Vụ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao cuộc họp cũng như các ý kiến trao đổi, góp ý thẳng thắn của các đại biểu. Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát nội dung để hoàn thiện Dự thảo trình cấp thẩm quyền ban hành theo quy định./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1821
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)