(MPI) - Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, được sự thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), ngày 12/12/2019, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo về Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Giám đốc KOICA Kim Jinoh, Tổng Giám đốc Medipeace Hàn Quốc Shin Sang Moon, Đồng Chủ tịch Medipeace Hàn Quốc Lee Il Young và Suh Dong Youb. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Viện Phát triển Người khuyết tật Hàn Quốc; Viện Phúc lợi xã hội - phục hồi chức năng Seoul, Hàn Quốc, các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Quảng Trị luôn quan tâm và tạo điều kiện cho người khuyết tật
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hoàng Nam cho biết, tỉnh Quảng Trị nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam với dân số trên 632 nghìn người. Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và bạn bè quốc tế, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với tỉnh Quảng Trị, Hàn Quốc đã chính thức hợp tác từ năm 2001. Giai đoạn 2001 - 2019, Hàn Quốc đã tài trợ cho Quảng Trị thực hiện nhiều chương trình, dự án với tổng kinh phí 15,53 triệu USD. Trong đó có các dự án nổi bật như: Xây dựng nông thôn mới (Saemaul Undong); Xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Linh; Dự án Nâng cao năng lực đào tạo dạy nghề cho Trường Trung cấp nghề Quảng Trị; Chương trình Hạnh phúc; Dự án Nâng cao năng lực cán bộ y tế về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho người khuyết tật do Tổ chức Medipeace tài trợ, Cung cấp các tình nguyện viên đến công tác tại các đơn vị, địa phương... Các dự án do Hàn Quốc tài trợ triển khai trên địa bàn Tỉnh đều phát huy hiệu quả tốt, tác động tích cực đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, tiến tới thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nhân dân hai nước.
|
Phó Chủ tịch Hoàng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI |
Ông Hoàng Nam cho biết, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người nghèo, người khuyết tật. Tuy nhiên, do những điều kiện đặc thù, Quảng Trị vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, là địa phương không chỉ gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh mà hằng năm phải chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao, đời sống của nhiều gia đình người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, do hậu quả chiến tranh, hiện Quảng Trị có hơn 26.955 người khuyết tật, phần lớn do bom mìn, vật liệu nổ, nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, có 15.485 nạn nhân chất độc màu da cam, hơn 8.540 nạn nhân do bom mìn, vật liệu nổ trong chiến tranh còn sót lại, trong số này có 31% nạn nhân là trẻ em.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có chương trình trợ cấp xã hội cho người khuyết tật nặng, chương trình hỗ trợ vay vốn, thực hiện các chính sách về giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ các công trình tiếp cận cho người khuyết tật. Tỉnh cũng rất quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Bên cạnh những thành quả đạt được, người khuyết tật thuộc nhóm người yếu thế ở Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong khả năng sống tự lập và tiếp cận chưa đầy đủ với một số dịch vụ thiết yếu. Để có thể hòa nhập xã hội tốt hơn và nâng cao khả năng tự lập, người khuyết tật cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa của toàn xã hội, nhất là từ các tổ chức phi chính phủ, chính phủ nước ngoài để họ có thể phát huy các khả năng của mình một cách toàn diện hơn trong nhiều lĩnh vực và vượt qua các rào cản về môi trường, xã hội để không bị bỏ lại phía sau.
Qua 8 năm hợp tác với Medipeace và các chuyên gia Hàn Quốc, nhất là Viện Phúc lợi xã hội Seoul và qua nghiên cứu những mô hình cung cấp dịch vụ phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng cho người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng tại Hàn Quốc, Quảng Trị nhận thấy, mô hình về quản lý lồng ghép các dịch vụ toàn diện về phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng ở Hàn Quốc là mô hình phù hợp với nhu cầu người khuyết tật tại Việt Nam. Mô hình này đã được Viện Phúc lợi xã hội - Phục hồi chức năng Seoul thực hiện cách đây 37 năm và hiện nay đã được triển khai trên cả đất nước Hàn Quốc. Với mô hình này, người khuyết tật ở tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền trung Việt Nam và các tỉnh của Lào có chung đường biên giới sẽ dễ dàng tiếp cận với dịch vụ phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng toàn diện, thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo Luật người khuyết tật và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Nếu được tài trợ, Trung tâm này sẽ là mô hình điểm cho các tỉnh thành phố Việt Nam học tập và nhân rộng, ông Hoàng Nam nhấn mạnh.
Để tăng cường hỗ trợ cho người khuyết tật nhằm đạt được các mục tiêu của Việt Nam cũng như các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và những cam kết thực hiện Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013 - 2022, tỉnh Quảng Trị mong muốn áp dụng mô hình Viện Phúc lợi xã hội - Phục hồi chức năng Hàn Quốc nhằm hỗ trợ người khuyết tật một cách toàn diện và hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc KOICA Kim Jinoh nhấn mạnh đến những nét tương đồng về kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt, quá trình phát triển, mặc dù cùng trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng Chính phủ hai nước vẫn luôn hướng đến phát triển con người, đến các hoạt động phúc lợi xã hội, đến những người khuyết tật và lấy con người là trọng tâm để phát triển. Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã có nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng trong việc thực hiện các hoạt động phúc lợi xã hội.
Giám đốc Kim Jinoh hy vọng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ quý báu về phương án hợp tác dành cho con người. Đồng thời cho biết, từ năm 1994, KOICA đã tài trợ khoảng 390 triệu USD và năm 2019 là 35 triệu USD để thực hiện nhiều chương trình, dự án về phúc lợi xã hội. Giám đốc Kim Jinoh mong muốn trong tương lai sẽ tìm kiếm nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác, qua đó góp phần tăng cường hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.
Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị trở thành hình mẫu để nhân rộng trong cả nước
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ đồng tình và nhất trí với sáng kiến của Quảng Trị trong việc phối hợp với các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc để xác định nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng và phúc lợi xã hội cho người khuyết tật, qua đó, góp phần tăng cường hơn nữa công tác phúc lợi xã hội và chức năng hỗ trợ cho người khuyết tật của Tỉnh. Sự thành công của các dự án tại tỉnh Quảng trị cũng như sự thành công của dự án Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu để nhân rộng trong cả nước, đặc biệt trong sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với các tổ chức của Hàn Quốc.
Nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, tại thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA và thứ ba về thương mại. Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao… cũng được hai nước đặc biệt quan tâm.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, hai nước hiện có 19 kênh đối thoại giữa Chính phủ hai nước thuộc cấp cao, cấp bộ, ngành, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kênh đối thoại cấp Phó Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Liên Chính phủ hai nước về kinh tế. Tháng 6/2019, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Cuộc Đối thoại lần thứ nhất về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, Hội nghị cấp cao Mê-Công - Hàn Quốc lần thứ nhất; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và các sự kiện quan trọng khác. Tại các đối thoại, các nội dung về hợp tác thương mại, đầu tư, đặc biệt là việc thực hiện các dự án ODA được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn đánh giá cao các dự án do Hàn Quốc hỗ trợ, mang lại hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như hạ tầng quy mô lớn, đường sắt, các công trình, chương trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ giảm nghèo… trong đó tiêu biểu là dự án bệnh viện, chương trình hạnh phúc… Tại Quảng Trị, Chương trình Hạnh phúc đã tạo dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa Quảng Trị - Hàn Quốc nói riêng trong việc hỗ trợ các đối tượng còn yếu thế.
Về đề nghị hợp tác với Hàn Quốc để tiếp tục triển khai dự án liên quan đến phúc lợi xã hội, trong đó có Dự án Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, Dự án đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan liên quan và thông qua Hội thảo sẽ xây dựng được đề cương và đưa ra được cơ chế hợp tác chặt chẽ, có sự tham gia và vào cuộc của các tổ chức của Hàn Quốc. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò cơ quan thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư, các dự án ODA, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng Tỉnh, vận động các nguồn vốn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như thực hiện các công trình phục hồi chức năng và phúc lợi xã hội cho người khuyết tật. Đồng thời mong muốn, trong thời gian tới sẽ có nhiều kênh, nhiều cơ chế hợp tác giữa các cơ quan hỗ trợ của Hàn Quốc với các cơ quan Chính phủ và địa phương của Việt Nam.
Trình bày về Dự án Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội Bùi Văn Thản cho biết, tỉnh Quảng Trị có số lượng người khuyết tật đông, trong đó nhiều người bị khuyết tật nặng do ảnh hưởng chất độc da cam và nạn nhân của bom mìn. Những người khuyết tật và trẻ em khuyết tật gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống và các rào cản gây khó khăn tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ cần thiết. Dự án nhằm mục tiêu sau 5 năm, tỉnh Quảng Trị sẽ có Trung tâm bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật thông qua áp dụng mô hình của Viện Phúc lợi xã hội Seoul, Hàn Quốc một cách phù hợp và là mô hình điểm cho Việt Nam. Trung tâm Bảo trợ xã hội - phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị sẽ tạo điều kiện, cơ hội dễ dàng tiếp cận về dịch vụ phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật và trung tâm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tại tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận thuộc khu vực miền Trung, Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện Dự án, đồng thời đánh giá cao những kết quả hỗ trợ của các tổ chức Hàn Quốc dành cho Quảng Trị trong thời gian qua. Dự án mang tính nhân văn, là cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, phát huy năng lực bản thân để cống hiến cho xã hội. Đồng thời đưa ra các đề xuất, sáng kiến nhằm đảm bảo tính bền vững của Dự án, tạo ra được các sinh kế, qua đó mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện phục hồi chức năng và phúc lợi xã hội cho người khuyết tật của Tỉnh đạt kết quả cao nhất, để họ có thể phát huy các khả năng của mình một cách toàn diện hơn trong nhiều lĩnh vực và vượt qua các rào cản về môi trường, xã hội để không bị bỏ lại phía sau.
Các đại biểu cũng hy vọng Dự án được triển khai có hiệu quả, tạo cơ hội tốt nhất cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền Trung Việt Nam và hai tỉnh của Lào có chung đường biên giới với Quảng Trị. Đây cũng sẽ là hình mẫu để nhân rộng tại các địa phương trong nước. /.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư