Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/12/2019-09:58:00 AM
Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững
(MPI) - Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược PTBV Việt Nam năm 2004, Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự PTBV. Việt Nam đã quốc gia hóa CTNS 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 với 17 mục tiêu PTBV và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mục tiêu cụ thể PTBV đến năm 2030 của Việt Nam bao gồm 17 mục tiêu: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong xã hội; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Tăng cường tính gắn kết của các SDG

17 Mục tiêu phát triển bền vững(GDG) có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Việc thực hiện từng mục tiêu sẽ có tác động tới kết quả thực hiện các mục tiêu khác và ngược lại. Với chủ đề Chuyển đổi để hướng tới một xã hội tự cường và bền vững, các mục tiêu rà soát sâu (6, 7, 11, 12, 15) tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) 2018 có tính gắn kết và tác động tương hỗ với nhau.

Việc thực hiện mục tiêu SDG 6.1 “Đảm bảo tiếp cận đầy đủ và công bằng nguồn nước uống và sinh hoạt” và SDG 6.2 “Tiếp cận điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người” sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG1 “xóa nghèo”, SDG2 “Xóa đói và an ninh lương thực”, SDG3 “Sức khỏe”, SDG 5 “Bình đẳng giới” và SDG 10 “Bình đẳng xã hội”. Ngoài ra, việc thực hiện mục tiêu SDG 6 “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”sẽ có tác dụng hỗ trợ việc thực hiện SDG12 “Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững” và ngược lại việc thực hiện SDG 12 sẽ đảm bảo cho việc thực hiện SDG 6.

Tương tự, thực hiện mục tiêu SDG 7.2 về tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của quốc gia sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu SDG 13 về ứng phó kịp thời và hiệu quả với BĐKH và thiên tai. Thực hiện mục tiêu SDG 7.2 về tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và mục tiêu SDG 7.3 về tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ điện năng là góp phần thực hiện mục tiêu SDG 12.2 về khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và mục tiêu SDG 12.5 về giảm lượng phát thải khí CO2.

Thực hiện SDG 11 về đảm bảo môi trường sống an toàn (nhà ở) là một trong các tiêu chí của khái niệm nghèo tiếp cận đa chiều, do vậy có quan hệ gắn kết với SDG 1 (xóa nghèo). Ngoài ra, SDG 11 cũng có quan hệ gắn kết chặt chẽ với SDG 8 và SDG 9. Mục tiêu SDG 11.6 về giảm tác hại của ô nhiễm môi trường đô thị có liên quan chặt chẽ và có cùng mục đích với SDG 12 về đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. SDG 11.8 (tương đương với SDG 11.a toàn cầu) về kết nối kinh tế xã hội môi trường trong quy hoạch phát triển cũng có quan hệ chặt chẽ với SDG 13.2 về lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH) vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển. Tương tự, mục tiêu SDG 11.5 về giảm người chết và bị ảnh hưởng và giảm đáng kể thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tai, thảm họa gây ra lại tùy thuộc rất lớn vào việc thực hiện SDG 13 về ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai. Thực hiện tốt SDG 11.2 sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công SDG 3, nhằm giảm tai nạn giao thông đường bộ năm 2020 bằng một nửa so với năm 2011. Việc phát triển các loại hình dịch vụ vận tải công cộng khối lượng lớn cũng chính là một giải pháp giúp người dân tiếp cận và sử dụng các nguồn năng lượng một cách bền vững (SDG 7).

Thực hiện mục tiêu SDG 12.2 về khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý và SDG 12.3 về giảm chất thải và tổn thất lương thực là góp phần thực hiện SDG 2.4 về sản xuất lương thực thực phẩm bền vững. Thực hiện mục tiêu SDG 12.4 về quản lý vòng đời hóa chất và chất thải là góp phần thực hiện mục tiêu SDG 3.8 (tương đương với SDG 3.9 toàn cầu) về giảm ca mắc bệnh và tử vong do hóa chất độc hại và ngược lại.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) như nêu tại mục tiêu SDG 15 sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, thúc đẩy sản xuất lương thực, giảm nghèo và do đó SDG 15 có mối quan hệ mật thiết với các SDG khác đặc biệt là SDG 1, 2, 3, 13, 14. Việc thực hiện thành công các mục tiêu SDGs tại Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các Bộ, ngành và các đối tác khác nhau trong các lĩnh vực trong xây dựng và thực hiện các giải pháp mang tính đa ngành.

Chính phủ Việt Nam nhận thức đầy đủ tính gắn kết của các mục tiêu SDG, thể hiện qua việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về SDG trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng và đưa ra một số giải pháp cho điều phối và phối hợp liên ngành, cũng như huy động nguồn lực và sự tham gia của các đối tác ngoài Chính phủ bao gồm cả khu vực tư nhân, các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội, và các đối tác quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam và UNESCAP tiến hành một số hoạt động ban đầu để đào tạo nâng cao năng lực cũng như tăng cường tính gắn kết của các SDG và huy động sự tham gia của các đối tác trong thực hiện SDG tại Việt Nam.

Tăng cường huy động các nguồn lực

Theo Báo cáo, nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu SDG của Việt Nam. Các nguồn kinh phí thực hiện mục tiêu SDG của Việt Nam gồmnguồn ngân sách nhà nước; nguồn ODA; nguồn lực tư nhân và các nguồn khác.

Trong đó, nguồn nhân sách nhà nước phần lớn là nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được dành cho việc thực hiện các SDG. Tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn này là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 1.120.000 tỷ đồng (gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng); Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một thách thức đang đặt ra đó là tỷ lệ thu ngân sách không tính viện trợ/GDP giảm từ trên 26% trong giai đoạn 2006-2008 và 27,6% năm 2010, xuống khoảng 22-23% trong giai đoạn 2012-2015.

Đối với nguồn vốn ODA, nguồn này vào Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Đáng chú ý, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 1%) của tổng số vốn ODA nhưng là một nguồn tài chính quan trọng cho hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và tư vấn chính sách, đã giảm khá nhanh, đặc biệt là sau năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng tài chính chính thức khác (OOF) trên GDP ở Việt Nam có xu hướng tăng và cao hơn nhiều so với các nước ASEAN trong thời gian gần đây. Khi các nhà tài trợ chuyển dịch chú ý sang vấn đề toàn cầu như BĐKH và tăng trưởng xanh, Việt Nam là nước nhận được một lượng lớn tài chính từ các quỹ BĐKH quốc tế.Giai đoạn 2010-2014, Việt Nam nhận được số tiền lớn nhất trong khu vựckhoảng 5.2 tỷ đô la, trong đó bao gồm một lượng nhỏ các khoản viện trợ không hoàn lại và vay không ưu đãi và phần lớn là các khoản vay ưu đãi.

Về các nguồn lực tài chính tư nhân quốc tế, tổng khối lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng nhanh, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tương đối ổn định. FDI trong ngành chế biến, chế tạo chiếm gần 70% FDI vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong mười quốc gia nhận được mức kiều hối cao nhất thế giới, với khối lượng khoảng 2.5% tổng kiều hối toàn cầu vào năm 2017. Hằng năm, kiều hối chiếm 6-8% GDP trong giai đoạn 2006-2017 ở Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác (trung bình khoảng 1-2% GDP) và đóng góp đáng kể để hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước, tăng dự trữ ngoại hối của đất nước và cân bằng tài khoản vãng lai.

Tài chính tư nhân trong nước ở Việt Nam đã tăng liên tục kể từ năm 2000, tăng gấp bốn lần lên 24,2 tỷ đô la trong năm 2015. Song, đầu tư tư nhân bình quân đầu người của Việt Nam là 301 đô la thấp hơn một nửa mức trung bình của ASEAN là 659 đô la. Đầu tư tư nhân trong nước có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình 10,3%/năm, trong khi tăng trưởng đầu tư công và FDI giảm.

Nhu cầu tài chính cho thực hiện các SDG là rất lớn. Để thực hiện thành công 17 mục tiêu SDG Việt Nam sẽ phải tăng cường huy động tất cả các nguồn lực, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp và khu vực tư nhân; tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, chính sách thuế, đổi mới quản lý tài chính công và quản lý nợ công; nỗ lực huy động nguồn vốn FDI, FII, có kế hoạch chuyển tiếp sang giai đoạn “tốt nghiệp ODA” bao gồm cả việc tăng cường sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn ODA hiện có và huy động nguồn lực từ các nguồn tài trợ mới về BĐKH và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh các nỗ lực huy động nguồn lực, việc đảm bảo các nguồn lực được sử dụng và đầu tư có hiệu quả là vô cùng quan trọng. Việt Nam sẽ phải tiếp tục nỗ lực tiết kiệm chi tiêu công, tăng hiệu suất và hiệu quả đầu tư công và tăng cường các mối liên kết và tương tác giữa các nguồn lực như tăng khả năng của đầu tư công trong việc “kéo theo” đầu tư tư nhân, tăng kết nối giữa FDI và các doanh nghiệp và đầu tư tư nhân trong nước. Các nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của tất cả các bên trong một khung tài chính tích hợp quốc gia, được thể hiện qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Chương trình đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính 3 năm.

Huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thu thập số liệu thường xuyên và dài hạn cho SDG

Theo Báo cáo, Việt Nam đang xây dựng Lộ trình và Hệ thống chỉ tiêu giám sát đánh giá SDG và thành lập Tổ công tác thống kê phục vụ giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV với thành viên là đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu biên soạn thử nghiệm một số chỉ tiêu theo hình thức thu thập thông tin mới như dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu từ nhiều nguồn... như nghiên cứu sử dụng dữ liệu đăng ký thuế nhằm tính toán một số chỉ tiêu liên quan đến doanh nghiệp, lao động...

Kết quả rà soát tính khả thi của 232 chỉ tiêu thống kê SDG toàn cầu được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành với sự hỗ trợ của Cơ quan thống kê Liên hợp quốc và Liên hợp quốc tại Việt Nam năm 2017, cho thấy việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu này liên quan đến 21 bộ, ngành.Trong đó, có 33 chỉ tiêu đã được quy định trong danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật thống kê 2015; 123 chỉ tiêu là khả thi, trong đó có 89 chỉ tiêu là có số liệu với 13 chỉ tiêu đã sẵn có trong Niên giám thống kê quốc gia và 76 chỉ tiêu phải biên soạn. Có 109 chỉ tiêu là khó áp dụng tại Việt Nam. Số liệu thống kê hiện có mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 60% số liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV ở cấp độ toàn cầu và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, đói nghèo...

Quá trình nội địa hóa các chỉ số thống kê SDG, cho thấy nhiều chỉ tiêu SDG chưa có dữ liệu đặc tả, nhiều chỉ tiêu phải thu thập thông qua hình thức thu thập mới, phương pháp tính phức tạp, dữ liệu tính toán từ nhiều nguồn phi truyền thống , nên việc giám sát, đánh giá việc thực hiện 17 SDG sẽ là một tháchthức rất lớn đối với Việt Nam.

Hệ thống và năng lực thống kê của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thống kê về SDG và cần phải thúc đẩy tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác thống kê, nhất là ở địa phương. Đồng thời, huy động nguồn lực về tài chính, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thu thập số liệu thường xuyên và dài hạn cho SDG.Xây dựng được một cơ chế, cách thức để có thể sử dụng hiệu quả nguồn số liệu thống kê không chính thức từ các cơ quan trong nước và quốc tế về Việt Nam.

Khoa học, công nghệphương thức tiên quyết để thực hiện thành công SDG

Khoa học và công nghệ (KHCN) là nền tảng, động lực cho PTBV đất nước và được xem là một phương thức tiên quyết để thực hiện thành công SDG, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. KHCN đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng xanh, cải thiện chất lượng giáo dục và sức khỏe người dân và giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng do thiên tai. Theo Đánh giá của WIPO năm 2017 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam xếp hạng 47 trên 127 quốc gia, tăng 12 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 59).

Đối với Việt Nam, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tưvừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cần nắm bắt. Việt Nam cần thiết phải chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên số lượng (vốn và lao động) sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng (lấy năng suất là yếu tố quan trọng), từ năng lực lắp ráp sang năng lực tạo giá trị gia tăng cao. Giải pháp cho việc chuyển đổi đó bao gồm nâng cao nhận thức và năng lực của cơ quan quản lý về vai trò kiến tạo của nhà nước trong việc tạo dựng môi trường thể chế tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thay đổi phương thức quản lý theo hướng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động với các công cụ thông tin hiện đại, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện ý tưởng mới, thúc đẩy tính sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện thành công SDG, việc trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ từ các nước có trình độ phát triển khoa học, công nghệ cao hơn là rất quan trọng đối với Việt Nam.

Bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện SDG

Các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện, lồng ghép các SDG vào quá trình xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các phương thức huy động nguồn lực công và từ khu vực tư nhân và các nguồn lực ngoài nước để thực hiện SDGs tại Việt Nam đã được chia sẻ tại các Hội nghị về PTBV và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.Trong đó, bài học thứ nhất là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với PTBV.

Bài học quan trọng nhất trong thực hiện PTBV là quyết tâm chính trị của Nhà nước Việt Nam nói chung và sự thống nhất giữa Quốc hội và Chính phủ trong ý chí, hành động nói riêng. Đó cũng là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, từ Trung ương tới địa phương, trong việc quốc gia hóa các mục tiêu SDG và lồng ghép chúng vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình phát triển của quốc gia. Những kinh nghiệm này cũng đã được chứng minh trong việc thực hiện MDG mà Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Bài học thứ hailà sự huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện SDG. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tiến trình PTBV ở Việt Nam.

Hệ thống các tổ chức xã hội đa dạng của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình PTBV. Cách tiếp cận “từ dưới lên” kết hợp với cách tiếp cận “từ trên xuống” trong công tác lập kế hoạch và xây dựng chính sách đã khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình tham vấn khi thiết kế và xây dựng các chương trình, chính sách, các dự án phát triển, đồng thời định hướng các chương trình phát triển này theo xu hướng PTBV của thế giới.

Bài học thứ ba là sựkết hợp giữa phát huy nội lực với hợp tác quốc tế. Sau hơn 30 năm đổi mới và thực hiện PTBV, Việt Nam đã phát huy nội lực kết hợp với ngoại lực thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế để phát triển đất nước. Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt quanhiều khó khăn, thách thức, để đạt được những thành tựu to lớn và đã gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, tiếp tục giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi hơn để tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.

Khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các SDG

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam vẫn còn phảigặp những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các SDG như Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và các hiện tượng thiên tai bất thường, điều này, sẽ tác động không nhỏ tới tiến trình thực hiện SDG tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi những biến động của kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, xã hội và các thách thức phi truyền thống khác.Nhu cầu tài chính cho thực hiện các SDG là rất lớn trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế và nguồn lực ODA bị thu hẹp do Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

SDG có tính liên ngành cao cả về khía cạnh chính sách và cơ quan, Bộ, ngành chịu trách nhiệm nên việc triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết các văn bản hiện hành của Việt Nam mới đặt mục tiêu cần đạt tới năm 2020, một vài văn bản có nêu tầm nhìn đến 2030 nhưng lại chưa đưa ra được chỉ tiêu cụ thể để đánh giá.

Nhiều chỉ tiêu SDG chưa có dữ liệu đặc tả, nhiều chỉ tiêu phải thu thập thông qua hình thức thu thập mới, phương pháp tính phức tạp, dữ liệu tính toán từ nhiều nguồn phi truyền thống, nên việc giám sát, đánh giá việc thực hiện 17 SDG sẽ là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, tạo thuận lợi cho việc thực hiện SDG tại Việt Nam

Theo Báo cáo, để tiếp tục thực hiện thành công CTNS 2030 cũng như các mục tiêu SDG và các mục tiêu cụ thể đã đề ra, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách có liên quan để giải quyết những khoảng trống về mặt chính sách và tạo thuận lợi cho việc thực hiện SDG tại Việt Nam. Đồng thời, Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về PTBV và các mục tiêu PTBV của Việt Nam.

Cùng với đó, phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện SDG.

Thúc đẩy việc phối hợp giữa các bên có liên quan, đặc biệt giữa cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế trong thực hiện PTBV. Duy trì và triển khai cơ chế điều phối và phối hợp giữa các bên liên quan để định kỳ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp, chia sẻ các sáng kiến, thực hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu PTBV mà Việt Nam đã cam kết.

Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV, tăng cường thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và sử dụng thông tin số liệu cho các cấp trong quá trình theo dõi, đánh giá và hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân để triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV của quốc gia.Lồng ghép các mục tiêu PTBV trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Lồng ghép phù hợp các chỉ số, chỉ tiêu SDG vào các chương trình điều tra Thống kê quốc gia định kỳ và các chương trình điều tra khác.Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc hỗ trợ, chuyển giao về tài chính, kỹ thuật cho thực hiện SDG.

Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam sẽ thực hiện thành công CTNS 2030 vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau không chỉ của người dân Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu, đặc biệt là để không ai bị bỏ lại phía sau./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1756
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)