(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra ngày 13/12/2019, tại tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đóng góp cùng sự phát triển chung của đất nước.
|
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Phương |
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, đất nước ta đã trải qua hơn 30 năm đổi mới và trong quá trình đó, khu vực thành thị, nông thôn cũng như các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, dịch vụ đã có những bước phát triển hết sức vượt bậc, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển chậm hơn. Đây là vùng có diện tích rộng lớn, lực lượng dân số đông nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, năm 2008, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thúc đẩy khu vực này phát triển cùng sự phát triển chung của đất nước.
Trên tinh thần đó, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa Nghị quyết 26/NQ-TW bằng các văn bản quy phạm pháp luật để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, so với các ngành kinh tế khác vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, giá trị thu nhập từ nông nghiệp còn khiêm tốn... Chính vì vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp để góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn và bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Với mục tiêu như vậy, việc thể chế hóa đầu tiên của Chính phủ là ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, tiếp đó là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững.
Doanh nghiệp đã được xác định là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam; là nền tảng để tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đây là tiêu chí quan trọng để hoàn thành chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách hỗ trợ đã cơ bản đầy đủ từ chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính, hạ tầng, bảo hiểm, liên kết, tín dụng… nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chiếm trên dưới 1%.
Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, trong thời gian tới, để hiện thực hóa các chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các Bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Công Thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất theo tinh thần Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 8, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về quy định các công trình trên đất được làm tài sản thế chấp vay vốn để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận nguồn tài chính.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Phương |
Đối với các địa phương, cần khẩn trương ban hành 05 chính sách đã được giao tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Đây là các hướng dẫn quan trọng, đảm bảo khi có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có thể giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị định 57/2018/NĐ-CP hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát nhu cầu của doanh nghiệp và danh mục các dự án theo đúng đối tượng của Nghị định 57/2018/NĐ-CP đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ theo yêu cầu của Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá cao các ý kiến tại Hội nghị và cho rằng, các ý kiến cho thấy hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần được nắm bắt, tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư. Các thông tin chia sẻ, trao đổi hết sức quý báu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các đề xuất kiến nghị về việc khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nhằm đưa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, làm chuyển biến tình hình thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Do đó, mỗi cấp chính quyền phải thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao để chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được ban hành với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đồng thời phát triển doanh nghiệp để dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận các tài nguyên và nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó là giảm điều kiện hỗ trợ để mở rộng đối tượng hỗ trợ, tạo cơ hội tiết giảm chi phí tham gia thị trường, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. /.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư